Trẻ em - Nạn nhân "phải trả giá đắt nhất" cho chiến tranh, xung đột

Bạch Dương| 03/08/2016 20:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phát biểu trong phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ về trẻ em trong xung đột vũ trang, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhận định, trẻ em vẫn là nạn nhân "phải trả giá đắt nhất" cho chiến tranh, xung đột...

Ngày 2/8, HĐBA đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề Trẻ em trong xung đột vũ trang. Phiên họp, dưới sự chủ trì của Malaysia - nước Chủ tịch HĐBA trong tháng 8/2016, đánh dấu 20 năm kể từ báo cáo đầu tiên của Tổng Thư ký LHQ về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định bối cảnh an ninh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, song trẻ em vẫn là nạn nhân phải trả giá đắt nhất cho chiến tranh, xung đột. Trẻ em phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất như giết chóc, thương tật, tù đầy, tra tấn, bỏ đói, bắt cóc, bắt lính…

Trẻ em - Nạn nhân

Phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ với chủ đề Trẻ em trong xung đột vũ trang diễn ra dưới sự chủ trì của Malaysia, nước Chủ tịch HĐBA trong tháng 8/2016

Ông Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc về thực tế hơn một nửa số người tị nạn, di cư hiện nay do xung đột là trẻ em, xu hướng bạo lực cực đoan nhằm vào trẻ em cùng với việc sử dụng và bạo lực với trẻ em của các nhóm vũ trang phi quốc gia.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị, huy động nguồn lực và hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em, chấm dứt xung đột và tái thiết hòa bình.

Những đứa trẻ đó ở các điểm nóng như Iraq, Nigeria, Nam Sudan, Syria và Yemen; và theo Tổng Thư ký LHQ, chúng phải sống trong cảnh "địa ngục trần gian". "Thậm chí trong nhiều trường hợp, còn tồi tệ hơn thế", ông nói thêm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ hoan nghênh những kết quả quan trọng đạt được, trong đó có việc giải thoát hàng nghìn trẻ em khỏi các nhóm vũ trang, lồng ghép chính sách bảo vệ trẻ em trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và việc các nước liên quan thực hiện kế hoạch hành động theo ủy thác của HĐBA. Tuy nhiên, theo Đại sứ, những kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn khi trẻ em tiếp tục bị tước đoạt các quyền và nhu cầu cơ bản.

Đại sứ bày tỏ lo ngại trước những tác động lâu dài đối với sự phát triển của trẻ em trong cả xung đột và hậu xung đột. Đại sứ khẳng định Việt Nam lên án tình trạng bạo lực với trẻ em tiếp diễn, đặc biệt là các vụ giết hại, bạo lực tình dục, bắt lính, bắt cóc, tấn công trường học và bệnh viện; đồng thời kêu gọi các bên tham chiến chấm dứt các hành động này, trước hết bằng cách tuân thủ luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.

Đại sứ nhấn mạnh cần phải có chiến lược tổng thể ngăn ngừa, ứng phó xung đột; phải giải quyết gốc rễ của xung đột thông qua việc thúc đẩy phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, hòa giải dân tộc, tôn trọng pháp quyền cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, hỗ trợ trẻ em nạn nhân của xung đột vũ trang phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Trẻ em - Nạn nhân

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định, trẻ em vẫn là nạn nhân phải trả giá đắt nhất cho chiến tranh, xung đột

Trong bối cảnh hậu xung đột, Đại sứ cho rằng, trẻ em cần được ưu tiên quan tâm; các cơ quan LHQ cần đầu tư các chương trình cho trẻ em về giáo dục, sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng như giải quyết những tác động lâu dài do xung đột gây ra, nhất là đối với trẻ em gái và trẻ khuyết tật.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ và cải thiện tình trạng của trẻ em trong xung đột vũ trang.

Đại sứ cũng chia sẻ nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc. Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật nạn nhân của bom mìn và chất độc màu da cam. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước Quyền Trẻ em, bao gồm Nghị định thư bổ sung về sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang. Trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA 2008-2009, Việt Nam đã tổ chức phiên thảo luận mở về trẻ em trong xung đột vũ trang và cùng các nước thành viên khác thông qua Nghị quyết 1882 (năm 2009) về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em - Nạn nhân "phải trả giá đắt nhất" cho chiến tranh, xung đột