Tổng thống Indonesia bị công kích vì cách xử lý thảm họa

Hà Kim| 08/10/2018 19:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phe đối lập có thể công kích cách xử lý thảm họa của chính quyền, gây ra bất lợi cho Tổng thống Widodo khi ông tranh cử vào năm sau.

Tại cuộc họp báo ở Jakartar ngày 7/10, người Phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, số người chết trong thảm họa kép động đất, sóng thần đã lên tới 1.763 người, số người được cho là mất tích lên tới hơn 5.000 người.

Theo Reuters, dù còn nhiều người mất tích, nhưng các nhân viên cứu hộ Indonesia sẽ chấm dứt công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân trên đảo Sulawesi từ ngày 11/10. Ông Nugroho cho biết, các nạn nhân không tìm thấy sẽ được tuyên bố là mất tích. 

Tổng thống Indonesia bị công kích vì cách xử lý thảm họa

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm khu bị động đất ở Palu ngày 3/10

Tính đến nay, hàng trăm người vẫn đang bị chôn vùi trong bùn đất và đám đổ nát ở miền nam thành phố Palu, nơi nhiều người đang tuyệt vọng tìm cách tìm kiếm người thân sau trận động đất và sóng thần ngày 28/9.

Theo ông Nugroho, sở dĩ số người chết và mất tích tại Indonesia nhiều do người dân chưa biết cách đối phó khi thảm họa xảy ra. Không giống như các quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất, sóng thần như Nhật Bản, New Zealand, công tác giáo dục và các bài tập cách phòng tránh về động đất không được diễn ra thường xuyên.

Ông Denis McClean, một phát ngôn viên của Cơ quan giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc cho biết, chỉ có nhận thức của công chúng mới có thể cứu họ trong những trường hợp này.

Joern Lauterjung, Giám đốc dịch vụ địa chất tại Trung tâm nghiên cứu về địa chất Đức (GFZ) cho biết, Đức đã hỗ trợ Indonesia xây dựng hệ thống cảm biến thu thập dữ liệu về động đất, sóng thần nhằm đưa ra tín hiệu cảnh báo sớm sau khi xảy ra thảm họa kép ở khu vực này năm 2004 khiến 226.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo này dường như không hoạt động trong thảm họa hôm 28/9, khi nhiều người dân ở thành phố Palu tỏ ra bất ngờ trước đợt sóng thần tràn vào. Lauterjung cho biết, tín hiệu cảnh báo sóng thần đã đứt đoạn ở chặng cuối cùng.

Trong khi đó, ông Widodo, người lên nắm quyền vào năm 2014, ngày 2/10 nói rằng hệ thống phải được sửa chữa và bảo dưỡng đúng cách. Chính điều này, khiến các chính trị gia đối lập có nhiều cơ hội chỉ trích khi nhiều người sống sót đang than rằng các nỗ lực cứu trợ quá chậm chạp.

Dù ông Widodo đã nhanh chóng đến thăm Palu, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề trong động đất và sóng thần ngày 28/8, cách Jakarta 1.500 km về phía đông bắc, chưa đầy hai ngày sau trận động đất. Ông lại đến thăm vào ngày 3/10, nhấn mạnh sự cấp bách của nỗ lực cứu hộ, khi nhiều người dân thất vọng về việc thiếu thực phẩm, nhiên liệu và thiết bị.

Nhưng theo Keith Loveard, nhà phân tích cao cấp của công ty tư vấn Concord Consulting, giờ đây bất kỳ thất bại nào trong việc xử lý thảm họa cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín lâu dài của ông Joko Widodo. Đặc biệt, Tổng thống đầu tiên của Indonesia đến từ tầng lớp bình dân, sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 17/4 năm sau.

Fadli Zon, từ đảng đối lập Gerindra đã viết trên Twitter rằng, trong tình huống khẩn cấp phức tạp, điều cần thiết là sự lãnh đạo và trật tự, luật pháp. Nhưng ở giai đoạn này, chính phủ rất yếu kém.

Còn Achmad Sukarsono, chuyên gia của Control Risks nói, nếu ông Widodo thực hiện thật tốt nỗ lực cứu trợ khẩn cấp, ông ấy sẽ không để cho phe đối lập có mục tiêu để tấn công. Nhưng tại thời điểm này, không ai thấy điều đó. Vì vậy, Tổng thống dễ bị công kích.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Indonesia bị công kích vì cách xử lý thảm họa