Tin vắn thế giới ngày 21/3: SARS-CoV-2 dễ lây và sống lâu hơn virus SARS

Trâm Anh| 21/03/2020 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

SARS-CoV-2 dễ lây và sống lâu hơn virus SARS, Mỹ dừng cấp thị thực thông thường toàn cầu, Google vinh danh “cha đẻ” của sáng kiến rửa tay từ cách đây 173 năm, Ấn Độ treo cổ 4 kẻ hiếp dâm nữ sinh trên xe buýt... là những tin tức thế giới nổi bật.

SARS-CoV-2 dễ lây và sống lâu hơn virus SARS

Các nghiên cứu gần đây về virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cho thấy, virus này có thể lây nhiễm trong thời gian dài hơn so với các chủng virus khác cùng họ, gần nhất là SARS. Trung bình để loại bỏ các hạt phân tử chứa SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ra khỏi cơ thể người nhiễm phải mất khoảng 20 ngày và virus có khả năng lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng.

Theo một nghiên cứu trên The Lancet, ngay cả thuốc kháng virus cũng không làm giảm thời gian loại bỏ virus. Một nghiên cứu khác cho thấy, virus SARS-CoV-2 tồn tại khá lâu trong phân người bệnh sau khi các mẫu xét nghiệm lấy từ mũi cho kết quả âm tính. Điều này cho thấy virus có thể lây qua đường tiêu hóa và việc xét nghiệm qua mẫu trực tràng có thể sẽ hữu ích hơn trong việc đánh giá hiệu quả điều trị và xác định thời điểm chấm dứt cách ly.

Google vinh danh “cha đẻ” của sáng kiến rửa tay từ cách đây 173 năm

Trong bối cảnh Covid-19 không ngừng lây lan mạnh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, Google Doodle ngày 20/3 đã vinh danh bác sĩ, nhà vật lý học người Hungary Ignaz Semmelweis (sinh ngày 1/7/1818) với sáng kiến rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm của ông.

Tin vắn thế giới ngày 21/3: SARS-CoV-2 dễ lây và sống lâu hơn virus SARS

Ngày 20/3/1847, Semmelweis đã chứng minh tầm quan trọng của việc rửa tay khử trùng bằng dung dịch vôi clo hóa trước khi phẫu thuật. Kết quả áp dụng thực tế cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng giảm mạnh. Tuy nhiên nhiều đồng nghiệp trong giới y khoa từ chối làm theo và phủ nhận sáng kiến. Điều này khiến Semmelweis tức giận, cáo buộc họ tội giết người vì không tin vào tầm quan trọng của môi trường y tế. Cuối đời, ông phải nhập viện tâm thần và qua đời tại đó. Sau cái chết của ông, phát kiến rửa tay được chứng nhận, với thuật ngữ “lý thuyết mầm bệnh”.

Mỹ dừng cấp thị thực thông thường toàn cầu

"Để đối phó với thách thức lớn trên toàn thế giới liên quan đến Covid-19, Bộ Ngoại giao Mỹ ngừng các dịch vụ cấp thị thực thông thường tại toàn bộ đại sứ quán và lãnh sự quán. Thị thực khẩn cấp vẫn được xem xét nếu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ có đủ nhân viên", theo khuyến cáo đi lại được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 20/3.

Trước đó, Mỹ dừng cấp thị thực tại một số cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Công dân các nước phương Tây và một số quốc gia châu Á có thể tới Mỹ không cần thị thực sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Mỹ đã áp lệnh cấm đi lại đối với công dân 28 quốc gia châu Âu để ngăn Covid-19.

Bệnh viện quá tải, gần 2.700 nhân viên y tế Italia mắc Covid-19

Tập đoàn Y học Thực chứng Italia (GIMBE) cho biết, ít nhất 2.629 nhân viên y tế của nước này đã bị nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2). Vào thời điểm thống kê, con số trên chiếm 8,3% tổng số ca Covid-19 tại Italia. Một quan chức cho hay con số thực tế có thể sẽ cao hơn và các biện pháp bảo vệ khỏi dịch bệnh các bệnh viện lúc này không đầy đủ.

Theo Aljazeera, tình trạng thiếu thiết bị y tế, nguồn lực, nhân sự đang đè nặng áp lực lên hệ thống y tế Italia. Nhiều bệnh viện tại nước này đang trong tình trạng quá tải vì số lượng ca bệnh tăng nhanh trong bối cảnh Italia là nước dân số già. Trong ngày 19/3, nước này ghi nhận thêm 427 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch này tại đây lên 3.405, trở thành nước có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Quan chức giấu con trai bị nhiễm Covid-19

Một quan chức đường sắt ở TP Bengaluru - Ấn Độ bị đình chỉ vì che giấu con trai nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi trở về từ nước ngoài. Con trai của nữ quan chức nói trên được xác định dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, bà ta che giấu lịch sử đi lại của con trai 25 tuổi, vừa trở về từ Tây Ban Nha. Không dừng lại ở đó, nữ quan chức còn đưa con trai tới phòng tiếp khách của cơ quan đường sắt gần ga xe lửa chính ở TP Bangalore để trú ngụ.

Sau khi bị phát hiện, con trai của nữ quan chức bị đưa tới bệnh viện. Trước đó, lúc đáp xuống sân bay quốc tế Kempegowda tại TP Bengaluru hôm 13-3, anh ta được hướng dẫn cách ly tại nhà. Đến hôm 18-3, anh ta xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Phát hiện xưởng sản xuất vũ khí cực lớn của phiến quân ở Syria

Thành phố Kafr Naha đã bị kiểm soát bởi các chiến binh trong vài năm. Gần đây khu vực này đã được quân đội Syria giải phóng. Khi khám phá các khu vực được giải phóng, quân đội Syria đã phát hiện được một xưởng sản xuất cực lớn với hàng trăm loại vũ khí quân sự khác nhau bị phiến quân bỏ lại. Đây vốn là nơi các lực lượng phiến quân Takfiri được nước ngoài hậu thuẫn sử dụng để chế tạo các loại vũ khí hóa học. Tại đây phiến quân lưu trữ hàng trăm các loại chất nổ, bom mìn đạn dược tự chế. 

Ngoài xưởng sản xuất cực lớn này, quân đội Syria còn phát hiện thêm nhiều xưởng nhỏ, nhiều kho vũ khí và các đường hầm nơi ẩn náu của các phiến quân. 

Tổng thống Trump “nương tay” với Iran vì Covid-19

Bốn quan chức đương nhiệm và một cựu quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Donald Trump tuần trước nói với các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu rằng việc đáp trả mạnh mẽ những vụ tấn công gần đây, do các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, vào lính Mỹ đồn trú ở Iraq không phải là bước đi đúng đắn trong tình hình hiện nay.

Giới chuyên gia nhận định đây là thay đổi đáng chú ý trong cách tiếp cận với Iran của ông Trump, vốn thường mang thái độ hiếu chiến, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra và gây ảnh hưởng nặng nề tại Iran..

Ấn Độ treo cổ 4 kẻ hiếp dâm nữ sinh trên xe buýt

Ấn Độ rạng sáng 20/3 thi hành án treo cổ 4 tội phạm trong vụ hiếp dâm, giết người gây rúng động năm 2012. Nạn nhân là nữ sinh viên ngành vật lý trị liệu 23 tuổi, biệt danh "Nirbhaya". Cô bị nhóm "yêu râu xanh" cưỡng hiếp, tra tấn trên một chiếc xe buýt đang di chuyển và qua đời nhiều ngày sau đó do vết thương quá nặng. Sự việc châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ ở Ấn Độ và trên thế giới, dẫn đến sự ra đời của luật chống hiếp dâm mới ở nước này.

Mẹ của nạn nhân nói: "Tôi đã ôm di ảnh của con gái tôi và nói với con rằng, cuối cùng công lý cũng được thực thi". Bố nạn nhân cũng cho hay ông đã khôi phục niềm tin với pháp luật. 4 kẻ thủ ác bị kết án tử năm 2013. Ngoài 4 người này, 2 người khác bị bắt trong vụ án gồm 1 người đã tự tử trong tù tháng 3/2013, một trẻ vị thành niên bị cải tạo thời hạn 3 năm và được thả năm 2015.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 21/3: SARS-CoV-2 dễ lây và sống lâu hơn virus SARS