Thách thức bủa vây, tân Tổng thống Pháp vẫn tiến bước

Hà Kim| 15/05/2017 15:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau lễ nhậm chức hôm qua (14/5), vị Tổng thống mới của nước Pháp sẽ phải đương đầu với không ít những thách thức và khó khăn trong 5 năm tới.

Năm 2017 chứng kiến một cuộc bầu cử được cho là thú vị nhất trong lịch sử nước Pháp vì lần đầu tiên kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm được thành lập, hai chính đảng lớn nhất là Cộng hòa và Xã hội không có ứng viên nào lọt vào vòng hai.

Cử tri Pháp đã lựa chọn ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào tự do “En Marche!” (Tiến bước) và chính trị gia Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia (FN) vốn nổi tiếng với tư tưởng cực hữu vào vòng bỏ phiếu quyết định.

Kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 cho thấy ứng viên Macron giành được hơn 65% số phiếu và trở thành tổng nước Pháp, đồng thời phá vỡ truyền thống đảng Cộng hòa và đảng Xã hội thay nhau cầm quyền.

Quá trình chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử ở Pháp diễn ra rất nhanh chóng, chỉ một tuần sau khi kết quả bầu cử được công bố. Và hôm 14/5, ông Emmanuel Macron đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Pháp sau chiến thắng vang dội hồi tuần trước.

Ở tuổi 39, ông Macron trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp và là lãnh đạo trẻ nhất kể từ thời Napoleon. Sáng 14/5, đoàn xe chở tổng thống đắc cử đến Điện Elysee ở thủ đô Paris. Ông Macron tiến bước trên thảm đỏ với sự chào đón của người tiền nhiệm Francois Hollande.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 7/5 mang nhiều ý nghĩa cho bản thân ông Macron và nước Pháp, nhưng phía trước ông là một chặng đường đầy gian khó với những thách thức đòi hỏi bản lĩnh và năng lực vượt trội của người đứng đầu.

Thách thức bủa vây, tân Tổng thống Pháp vẫn tiến bước

Thách thức bủa vây, Tân Tổng thống Pháp vẫn tiến bước

Các thách thức này bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt ở giới trẻ nước này, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp và nhiều vấn đề lớn khác của nước Pháp.

Trong đó, khoảng hai thập kỷ qua nền kinh tế Pháp không thực sự sáng sủa, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Pháp đã sụt giảm đáng kể, từ 2,2% trong giai đoạn 1995-2004 xuống chỉ còn 0,7% trong giai đoạn 2005-2014. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp cũng cao hơn mức trung bình ở châu Âu trong khoảng một thập niên quaxã hội lại bị chia rẽ về vấn đề người nhập c.

Không những thế, những vụ đánh bom, khủng bố dưới nhiều dạng thức trong thời gian qua khiến xã hội Pháp chia rẽ về vấn đề người nhập cư và đại đa số tỏ ra bất an với tình hình an ninh - xã hội.

Đây không hẳn là những di sản mà các tổng thống tiền nhiệm để lại, mà thực sự là những bài toán khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Vì vậy, ông Macron sẽ phải tìm giải pháp hàn gắn một đất nước đang bị chia rẽ không chỉ trong giới tinh hoa mà còn trong quảng đại quần chúng.

Một người dân Pháp nói: “Ông Macron là một khuôn mặt mới trong nền chính trị Pháp. Tôi hy vọng, ông ấy sẽ mang lại những thay đổi mới cho nước Pháp.

Giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới ở Pháp vào tháng 6 tới cũng sẽ là một trong những thách thức lớn đối với ông Macron.

Cuộc bầu cử Hạ viện được cho là phép thử quan trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với ông Macron. Nếu đảng của ông không giành được đa số tại Quốc hội, Tổng thống Macron sẽ khó thúc đẩy các kế hoạch cải cách đã định về thị trường lao động, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp và giáo dục.

Trong trường hợp phong trào “Tiến bước” không giành được đa số ghế trong Quốc hội, ông Macron sẽ buộc phải cố gắng thành lập liên minh cầm quyền, tức là phải hợp tác với những nhân vật thuộc cả cánh tả và cánh hữu.

Tuy nhiên, phương án này không hề đơn giản bởi khi ông Macron vốn có tư tưởng trung dung bị kẹt giữa hai phe tả và hữu, bất kỳ quan điểm hay chính sách nào của ông cũng có thể bị phê phán, thậm chí bác bỏ.

Bên cạnh đó, thành lập và duy trì một chính phủ liên minh cũng đồng nghĩa với việc ông phải chiến đấu cật lực với cả hai phe tả, hữu để bảo vệ những chính sách của mình.

Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải cho thấy rằng chương trình hành động của mình không phải là sự lặp lại hay tiếp nối những chính sách không được lòng dân mà người tiền nhiệm Hollande thực thi trong 5 năm qua.

Và tuần đầu tiên sau lễ nhậm chức cũng sẽ là một tuần đầy bận rộn với Tổng thống Macron. Dự kiến, ngay trong ngày hôm nay (15/5), ông Macron sẽ có chuyến thăm Đức để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel) nhằm bày tỏ cam kết của ông đối với Liên minh châu Âu.

Cũng trong tuần này, ông Macron cũng sẽ phải chỉ định Thủ tướng mới cho nước Pháp cũng như nhiều quyết định nhân sự quan trọng tại Điện Elysee.

Giới phân tích nhận định, quyết định nhân sự quan trọng nhất sẽ là việc lựa chọn thủ tướng, người sẽ điều hành chính phủ cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử và có thể cả sau đó nữa. Quyết định này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh về các ý định của ông Macron đối với nước Pháp cũng như thế giới.

Trên trường quốc tế, vai trò của Pháp tại Liên minh châu Âu (EU) đã có phần giảm sút. Với tư cách là một trong hai cường quốc đầu tàu châu Âu, Pháp lo lắng vì ảnh hưởng chính trị của họ đang suy giảm so với Đức.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) cho thấy nguồn cảm hứng chính trị của châu Âu lúc này là Đức chứ không phải Pháp. Điều này đe dọa vai trò, vị thế của Pháp, nhất là khi hoạt động của EU phản ánh quan điểm của Đức nhiều hơn.

Vì vậy, tân Tổng thống Pháp phải có kế hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ để đặt ra một lộ trình 5 năm nhằm xây dựng ngân sách phù hợp cho EU. Nói chung, với Macron, viễn cảnh cơn ác mộng về ngày tàn của EU đã tạm qua, Liên minh sẽ có cơ hội để cải cách.

Trên chặng đường không trải thảm đỏ sắp tới, ông Macron sẽ phải chứng minh nhiều hơn nữa với cử tri rằng dù trẻ tuổi và ít kinh nghiệm, song lòng tin mà họ đặt vào ông là đúng.

Với bản lĩnh thể hiện trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Emmanuel Macron được kỳ vọng sẽ đưa nước Pháp đi lên cũng như góp phần cải cách châu Âu trước những thách thức hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức bủa vây, tân Tổng thống Pháp vẫn tiến bước