Sóng gió chính trường Thái có ngừng sau bản án dành cho bà Yingluck?

Hà Kim| 02/10/2017 15:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo các chuyên gia, dù anh em nhà Thaksin gần như hết đường quay về, nhưng nền chính trị Thái Lan sẽ chẳng thể "lặng gió" nếu chính phủ không tìm cách kết nối với số đông người dân.

Sau phiên toà ngày 27/9, số phận của bà Yingluck, người vẫn đang bặt vô âm tín rốt cuộc lại giống người anh trai Thaksin Shinawatra. Có khác nhau là ở số năm tù mà họ bị tuyên án vắng mặt đó là ông Thaksin 2 năm còn bà Yingluck là 5 năm.

Bà Yingluck rời khỏi Thái Lan vào ngày 25/8, đúng ngày toà dự kiến tuyên án. Từ đây, chính trường Thái Lan phải đối mặt với rất nhiều thách thức cùng với những khó khăn vẫn còn tồn tại suốt hơn một thập kỷ qua.

Những sóng gió không ngừng nghỉ đã nhiều lần đưa nước Thái từ thể chế dân chủ quay lại thời kỳ quân luật như hiện nay. Và bản án 5 năm tù dành cho bà Yingluck có thể hủy hoại những cam kết chính trị mà nước Thái cần đến lúc này để có thể tiến về phía trước.

Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng Viện Khoa học và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, với bản án trên bà Yingluck đã bị cướp mất quyền lực. Việc trốn tránh án tù giờ đây sẽ buộc bà ấy phải xin quy chế tị nạn toàn diện và tương lai của bà trong nền chính trị Thái Lan trên thực tế đã chấm dứt.

Sóng gió chính trường Thái có ngừng sau bản án dành cho bà Yingluck?

Sóng gió chính trường Thái có ngừng sau bản án dành cho bà Yingluck?

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng con đường quay về Thái Lan của cựu nữ thủ tướng đã đóng lại. Về mặt chính trị, đây là án tử đối với Yingluck.

Theo quy định của hiến pháp mới được thông qua năm 2017, bà Yingluck có thể kháng án trong thời hạn 30 ngày. Dù vậy theo ông Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia về chính trị Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bỏ trốn có khiến bà Yingluck mất quyền này hay không.

Trước đó, bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm từ năm 2015. Song cho đến trước phiên tòa ngày 27/9, bà vẫn được xem là đại diện không chính thức của đảng Pheu Thai cũng như phong trào dân túy tại Thái Lan. Với diễn biến mới nhất, đảng này đã chính thức trở thành "thuyền không lái".

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng phán quyết của tòa án không thể xóa bỏ ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra và tương lai chính trị trị Thái Lan sẽ phụ thuộc vào việc anh em Thaksin từ bỏ hay tiếp tục đấu tranh.

Chuyên gia Termsak cho rằng, ông Thaksin là người lão luyện với những đường đi nước bước của "chính trị kim tiền" (một thuật ngữ chỉ việc một chính trị gia dùng tiền để đổi lấy sự ủng hộ). Ông sẽ chỉ việc tìm một ứng viên trong hoặc ngoài dòng họ hay đơn giản là một người ủng hộ trung thành mà ông tin tưởng để tiếp tục can dự vào nền chính trị Thái Lan.

Trong nhiều năm qua, chính trị Thái Lan bị chia rẽ một cách dữ dội giữa một bên là tầng lớp người nghèo, những người ủng hộ các các chính sách dân túy phe Shinawatra, với một bên là tầng lớp lãnh đạo truyền thống, đại diện là quân đội và giới thượng lưu Bangkok.

Theo The Nation, tờ báo tiếng Anh có lượng người đọc nhiều tại Thái Lan, thì những cuộc thăm dò ở vùng đông bắc, "địa bàn" của gia tộc Shinawatra đã cho thấy đảng Pheu Thai vẫn có thể giành được sự ủng hộ của đa số.

Bản án với bà Yingluck có lẽ không làm xấu đi hình ảnh và sự khả tín của các chính trị gia về lâu dài hay trong giai đoạn trước cuộc bầu cử dân chủ dự kiến diễn ra cuối năm sau. Vì thế, gia đình Shinawatra sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh bằng chính trị kim tiền.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát chính trị, một chiến thắng lớn dành cho Pheu Thai trong cuộc bầu cử 2018 là điều khó xảy ra. Không còn Yingluck, một số nhân vật nổi bật của đảng này có thể sẽ quyết định ra đi vì sợ sẽ có chung số phận với anh em Shinawatra.

Giới quan sát cũng nhận định rằng, bất kể hai anh em nhà Shinawatra “thiết lập căn cứ” ở thành phố nào, tương lai chính trị của họ có vẻ mờ nhạt. Cánh cửa trở lại con đường chính trị gần như khép lại với cả hai người sau khi một luật mới về thủ tục tố tụng hình sự dành cho các chính trị gia có hiệu lực vào ngày 29/9.

Theo luật, nếu bà Yingluck muốn kháng án đối với phán quyết 5 năm tù dành cho mình, bà buộc phải đích thân xuất hiện tại tòa để nộp đơn. Luật mới cũng tác động tới ông Thaksin khi luật cho phép bên công tố yêu cầu tòa đem 4 vụ án có liên quan tới ông xét xử vắng mặt và sẽ không có thời hạn hiệu lực cho những vụ án này.

Giờ đây, bất kể bà Yingluck và ông Thaksin chọn Dubai hay London, nhưng câu hỏi thực sự là liệu anh em nhà Shinawatra có cùng nhau bắt tay thực hiện những động thái chính trị từ nước ngoài hay không.

Giới phê bình thì tin rằng hai anh em nhà bà Yingluck có rất nhiều hạn chế để tấn công chính phủ quân đội Thái Lan. Tuy nhiên, anh em nhà Shinawatra sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ của họ với các đồng minh quốc tế để gây sức ép cho Thái Lan để nước này trở lại nền dân chủ. Đồng thời, với sự bất mãn ngày càng lớn của anh em nhà Shinawatra sẽ tiếp tục gây chia rẽ nền chính trị Thái Lan. Đó là tình huống mà theo các chuyên gia gọi là "cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng" với chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-ocha.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóng gió chính trường Thái có ngừng sau bản án dành cho bà Yingluck?