Phát hiện xác Tê giác có lông đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm

Hoàng Kim| 26/02/2015 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xác ướp của một chú tê giác có lông, loài tê giác quý hiếm đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm bất ngờ được tìm thấy trong một dòng sông băng tại Cộng hòa Sakha, Nga. Đây là cá thể tê giác có lông nhỏ tuổi đầu tiên được phát hiện.

Một người thợ săn nghiệp dư và là một doanh nhân đến từ Abyysky tên là Alexander Banderov bất ngờ tìm thấy xác của một chú tê giác có lông tại một khe núi thuộc dòng sông băng lớn nhất và lạnh nhất Cộng hòa Sakha, Nga vào tháng 9 năm ngoái.

Phát hiện xác Tê giác có lông đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm

Lông của Sasha vẫn còn gần như nguyên vẹn, một tai, một mắt, lỗ mũi, và miệng có thể thấy rõ

Ông Alexander cho biết, ban đầu, ông và người bạn của mình nhìn thấy một nhúm lông nhô lên khỏi mặt băng và họ nghĩ rằng đó là xác của một con tuần lộc. Nhưng khi Alexander đưa toàn bộ cái xác lên, băng tan chảy, ông phát hiện hàm trên của con vật có hai chiếc sừng nhỏ, không nghi ngờ gì, ông khẳng định, đó là một con tê giác.

Trong 6 tháng nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, đây đúng là xác của một chú tê giác có lông, loài tê giác quý hiếm đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

Albert Protopopov, Cục trưởng Cục nghiên cứu Fauna Mammoth, thuộc Học viện khoa học Cộng hòa Sakha cho biết, phát hiện này thực sự rất quý. “Chúng ta chỉ có thể đếm số tê giác có lông trưởng thành trên thế giới trên đầu ngón tay. Xác một con tê giác có lông nhỏ thì chưa bao giờ chúng ta có được”.

Các nhà khoa học không xác định được tuổi chính xác của “bé” tê giác có lông Sasha – được đặt theo tên ông Alexander, theo cách gọi ngắn gọn của Nga. Nhưng theo nghiên cứu, Sasha được khoảng 18 tháng tuổi và nặng khoảng 132 pound (60kg).

Phát hiện xác Tê giác có lông đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm

Phần chân của Sasha vẫn còn nguyên vẹn

Ông Albert cho biết, lông của Sasha vẫn còn gần như nguyên vẹn, một tai, một mắt, lỗ mũi, và miệng có thể thấy rõ. Và có thể nhìn rõ hai sừng nhỏ mới nhú. Sở dĩ, Sasha còn nguyên vẹn như vậy là do được bảo quản trong băng lạnh.

Albert cũng cho hay, vào năm 1997, các nhà khoa học cũng phát hiện ra xác của một con tê giác có lông trưởng thành ở Yakutia. Ông cũng cho biết thêm, ngay cả việc tìm thấy hộp sọ của một con tê giác có lông con cũng là rất quý. Bởi vì, những con tê giác mẹ bảo vệ con rất tốt, chúng thường có tỷ lệ tử vong khi còn nhỏ rất thấp, ông giải thích.

Cho đến nay, các nhà khoa học chưa có dữ liệu nào về loài tê giác có lông khi chúng còn nhỏ. “Cho đến nay, chúng tôi chưa có cơ hội để nghiên cứu về loài vật này khi còn nhỏ, ngay cả nghiên cứu 1 chiếc răng”, ông nói.

Nhưng giờ đây, với đầy đủ cả hộp sọ, mô mềm, lông… của “bé” Sasha, các nhà khoa học hi vọng rằng, sẽ có câu trả lời về cách thức tăng trưởng và phát triển, điều kiện sống của loài động vật này.

Phát hiện xác Tê giác có lông đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm

Trong kỷ nguyên Pleistocene loài tê giác lông mịn có ở hầu khắp châu Âu và châu Á

Theo nghiên cứu trước đây từ AND của những con tê giác trưởng thành, từ những bộ xương và các hình vẽ trên hang động cổ, các nhà khoa học ước tính, một con tê giác có lông trưởng thành nặng chừng 4.400 pound (2.000kg), và dài tới 13 feet (4 mét).

Hai chiếc sừng cứng và nhọn dài nhất là 24 inches (61cm) để phòng thủ và thu hút bạn tình. Bộ lông mịn và dày là để thích nghi với thời tiết tại các vùng lãnh nguyên băng giá, thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ.

Trong kỷ nguyên Pleistocene, loài tê giác lông mịn có ở hầu khắp châu Âu và châu Á từ Scotland và Tây Ban Nha ở phía tây, đến Hàn Quốc ở phía đông, nhưng nó đã bị tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

Lý do cho sự tuyệt chủng vẫn chưa rõ ràng, nhưng cũng giống như loài voi ma mút, sự săn bắn, bệnh dịch và ảnh hưởng của kỷ băng hà có thể là những nguyên nhân dẫn đến tuyệt chủng, các nhà khoa học cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện xác Tê giác có lông đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm