Nỗi đau của Nhật Bản cần được biến thành hành động

Ngọc Mai| 02/02/2015 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ gia đình nhà báo Kenji Goto và nước Nhật đang trải quan những giờ phút đau buồn và phẫn nộ trước clip nhà báo này bị chặt đầu, mà khắp nơi trên thế giới, nhiều người từng mất người thân, nhiều nhà lãnh đạo đang kêu gọi thế giới cần liên kết lại.

Nỗi đau không chỉ riêng Nhật Bản

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tối 31/1 đã đăng tải video được cho là hành quyết Kenji sau khi nỗ lực giải cứu anh bằng một cuộc trao đổi tù nhân thất bại. Nhà chức trách Nhật Bản nhận định đoạn video "có độ tin cậy cao".

Trong đoạn băng được tung lên Internet, Goto xuất hiện trong bộ đồ quần áo màu vàng giống như lần xuất hiện trước. Tuy nhiên lần này, nhà báo Nhật Bản không còn được nói những thông điệp do IS truyền tải để đổi lấy tự do cho bản thân, mà chỉ có giọng nói của tên “đồ tể” khẳng định rằng, cái chết của Goto là do quyết định thiếu cân nhắc của chính phủ Nhật Bản tham gia cuộc chiến chống IS.

Tên này còn cảnh báo con dao đang cầm trong tay không chỉ lấy đi mạng sống của Goto, mà còn của những con tin Nhật Bản khác và rằng “ác mộng của Nhật Bản mới chỉ bắt đầu”.

Nỗi đau của Nhật Bản cần được biến thành hành động

Nét mặt đau buồn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cái chết của nhà báo Goto trong cuộc họp báo tại Tokyo tối qua (Ảnh: Indiatimes)

Chứng kiến đoạn băng này, người mẹ đau khổ của anh đã thực sự gục  ngã, bà đã phải thốt lên “Tôi quá đau đớn để có thể nói được gì vào lúc này...”

Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 1/2, Thủ tướng Shinzo Abe thề rằng Nhật Bản không tha thứ cho chủ nghĩa khủng bố và Nhật Bản sẽ cùng các đối tác quốc tế đưa kẻ giết hại các con tin này ra trước công lý.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo “sẽ không bao giờ dung thứ cho những kẻ khủng bố”. 

“Tôi thấy cực kỳ căm phẫn hành động vô nhân tính và đê diện của chủ nghĩa khủng bố. Tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho hành động này. Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bắt những kẻ gây ra tội các phải trả giá”, Thủ tướng Abe tuyên bố.

Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ thái độ giận dữ trước hành động mất hết tính người của IS: “Chúng tôi cực kỳ phẫn nộ trước việc lặp lại hành động khủng bố hèn hạ và cực kỳ tàn ác… Một lần nữa, chúng tôi kịch liệt lên án hành động này”, ông Yoshihide Suga nhấn mạnh.

Lãnh đạo nhiều quốc gia bày tỏ sự căm phẫn

Không chỉ có người thân của nhà báo Kenji Goto và đất nước Nhật Bản, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối, thể hiện sự phẫn nộ trước hành động này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã ngay lập tức lên án hành động giết hại con tin người Nhật Bản Kenji Goto. Tuyên bố do người phát ngôn Liên Hợp Quốc đọc nêu rõ, ông Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trả tự do cho toàn bộ các con tin đang bị bắt giữ.

Cùng ngày, từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án đã lên án mạnh mẽ hành động của nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo hành quyết con tin thứ 2 của Nhật Bản, đây là một hành động tàn ác. Ông Obama cam kết "cùng với khối liên minh và đối tác rộng lớn, Mỹ sẽ tiếp tục hành động một cách kiên quyết nhằm hủy hoại và cuối cùng là tiêu diệt IS".

Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande đã kịch liệt lên án việc IS "sát hại tàn bạo" công dân Nhật Bản, đồng thời "tỏ rõ sự đoàn kết với Nhật Bản trong thử thách mới này." Ông Hollande khẳng định: "Pháp và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác vì hòa bình Trung Đông và tiêu diệt các nhóm khủng bố."

Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ hành quyết tàn bạo mới nhất của IS. Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 1/2, ông Abbott nhấn mạnh: "Đây là một hành động tàn bạo. Đây sẽ là một cú sốc khủng khiếp với người dân Nhật Bản và là nỗi đau không kể xiết với gia đình của nạn nhân. Vụ hành quyết này là minh chứng quan trọng để tất cả các nước hành động và tiêu diệt nhóm phiến quân Hồi giáo, vốn đang kéo khu vực Trung Đông vào một kỷ nguyên bóng tối".

Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron chỉ trích mạnh mẽ việc IS hành quyết con tin người Nhật và nhấn mạnh hành động khủng bố này "một lần nữa cho thấy phiến quân IS là hiện thân của điều ác." Ông cũng thể hiện sự ủng hộ thái độ không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố sau vụ IS sát hại hai con tin người Nhật là nhà báo Goto và doanh nhân Haruna Yukawa. Thủ tướng Cameroon khẳng định, sẽ không thể đánh bại IS bằng việc nhượng bộ trước các phần tử khủng bố, mà bằng việc đối đầu với chúng lẫn tư tưởng hiểm độc của nhóm này".

Nỗi đau thành hành động?

Nỗi đau của những người thân và sự căm phẫn của đất nước Nhật Bản trước hành động trên của IS một lần nữa như khoét lại nỗi đau của nhiều người, tại nhiều quốc gia đã và đang có những con tin bị giam giữ và hành quyết. Những hành động man rợ của tổ chức IS khi chém đầu nhà báo khiến chúng ta liên tưởng tới nhiều vụ hành quyết con tin diễn ra từ năm 2002, đôi với hàng loạt những công dân Mỹ, Ý, Pháp, Anh và Ba Lan bị các nhóm cực đoan, khủng bố bắt cóc và hành quyết như: 23/1/2002: Nhà báo Mỹ Daniel Pearl, nhà báo của tờ The Wall Street Journal (Mỹ), bị bắt cóc ở thành phố Karachi, Pakistan và sau đó bị chặt đầu; 28/10/2002: Nhà ngoại giao người Mỹ Laurence Foley, phụ trách cơ quan phát triển Mỹ (USAID), bị bắn chết ở cự ly gần bên ngoài căn nhà của ông ở thành phố Amman, Jordan. Abu Mussab Zarqawi; 11/5/2004: Một đoạn video trên một trang mạng có liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda cho thấy cảnh chặt đầu doanh nhân Mỹ Nicholas Berg, người bị bắt cóc hồi đầu tháng 4.2004 ở thủ đô Baghdad (Iraq). Theo lực lượng an ninh Mỹ, kẻ chặt đầu doanh nhân Berg chính là Zarqawi; 18/6/2004: Một trang mạng Hồi giáo cực đoan đã đăng tải những hình ảnh cho thấy vụ chặt đầu kỹ sư Mỹ Paul Marshall Johnson bị bắt cóc vài ngày trước đó ở Ả Rập Xê Út; 20/9/2004: Một nhóm cực đoan do Zarqawi đứng đầu tuyên bố đã hành quyết hai người Mỹ Eugene Armstrong, Jack Hensley sau khi hai người này cùng một kỹ sư người Anh bị bắt cóc.

Nỗi đau của Nhật Bản cần được biến thành hành động

Một cảnh hành quyết con tin tàn bạo không thể quên trong lịch sử của nhóm khủng bố

Và hiện nay theo Daily Mail, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - "hậu duệ" của các nhóm này có khoảng 500 tù nhân từ các bộ tộc thiểu số Yazidi được cho là đã bị giết bởi “đội tử hình” của các tay súng “thánh chiến” trong những ngày gần đây. Trong số này, có khoảng 40 trẻ em.

Các chiến binh IS cũng quay cảnh tàn sát các tù nhân, một số người đã bị đóng đinh hoặc chặt đầu. Khi mỗi thành phố bị tấn công, bất cứ ai chống lại Nhà nước Hồi giáo hoặc là sẽ bị giết hoặc phải cải sang đạo Hồi và nộp tiền phạt. Một số người cố gắng từ bỏ nhà cửa và bỏ trốn. IS đã hành quyết ít nhất 160 tù nhân chỉ trong 4 ngày tại thành phố phía bắc Tikrit. Đó là chưa kể, 3 vụ hành quyết con tin nước ngoài gồm hai nhà báo Mỹ và một nhà hoạt động nhân đạo người Anh đã phải bỏ mạng dưới lưỡi dao sắc lạnh của những kẻ khủng bố, Trong đó, IS tung lên mạng 19/8/2014 cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 11/2012.

Phát ngôn viên cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) – Ryan Trapani trên CNN cho biết, lực lượng Hồi giáo IS tại Iraq và Syria hiện có 20.000 – 31.500 tay súng đang hoạt động. Nổi lên trong số này là khoảng 2.000 chiến binh đến từ các nước phương Tây, nhiều gấp ba lần con số ước tính trước đó. Đây là một trong những lực lượng thiện chiến bậc nhất được đào tạo để quay trở lại chĩa súng vào quê hương.

Như vậy, xét về mặt tương quan, hiện tại, IS đã vượt qua Taliban – lực lượng khủng bố được cho là lớn mạnh và nguy hiểm nhất thế giới hiện đại. So với hơn 30.000 tay súng của IS, quân số của Taliban chỉ bằng gần 1/3. Số quân này cũng “khủng” hơn rất nhiều so với quân số của nhiều quốc gia. Không có gì phải bàn cãi khi IS đang vươn lên trở thành tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới và đe dọa trực tiếp đến an ninh toàn cầu. Trong khi đó, về mặt kinh tế, IS được đánh giá là chẳng thua kém bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Về những thủ đoạn IS còn có phần tàn độc hơn. Cách mà người ta nhớ nhất ở lực lượng này chính là giết người bằng các hình thức man rợ nhất, rồi đăng ảnh trên internet kèm theo những thông điệp hăm dọa. Chúng đang thực hiện những gì kinh dị nhất để khủng bố tinh thần những người không theo chúng.

Liệu nỗi đau của đất nước Nhật Bản có thể được biến thành hành động như Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố? Làm thế nào, bằng cánh nào để có thể kiểm soát được được lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS với  sự khát máu của chúng, như chính "đao phủ" của tổ chức này tự nhận trong video xử tử con tin Kenji Goto: "Chúng ta có cả một đội quân khát máu của các người", nhằm lập lại an ninh toàn cầu, đang là câu hỏi làm đau đầu của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, trong đó không ngoại trừ nước lớn nhỏ nào. Tất cả đều đang khẳng định một điều, dù hoạt động theo xu hướng nào, động lực nào, các quốc gia cũng cần có sự liên kết trong một thể thống nhất, ở đó, đòi hỏi mỗi quốc gia tạm quên đi lợi ích trước mặt mắt để có những hành động quyết liệt hướng tới tương lai của một nền an ninh toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau của Nhật Bản cần được biến thành hành động