Mỹ và Triều Tiên muốn gì trong “ván cờ” phi hạt nhân hóa?

Hà Kim (Theo Reuters)| 04/06/2018 16:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Triển vọng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được củng cố hơn nữa khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này vẫn không thay đổi ý muốn phi hạt nhân hóa.

Trong những ngày qua, hàng loạt các hoạt động ngoại giao đã được diễn ra để chuẩn bị cho hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp kéo dài 2 tiếng rưỡi với Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, các cuộc đàm phán với Triều Tiên đã đạt "tiến triển rõ rệt" hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết, hai bên cùng thúc đẩy cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước. Cuộc gặp thượng đỉnh theo dự kiến sẽ tạo ra sự khởi đầu lịch sử để Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa 2 nước cùng tiến đến kỷ nguyên mới của hòa bình, thịnh vượng, và an ninh. Hai nước đang đứng trước thời khắc trọng đại trong mối quan hệ và sẽ rất uổng phí nếu bỏ lỡ cơ hội này.

Triển vọng cho cuộc gặp Mỹ - Triều cũng được củng cố khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp với Ngọai trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bình Nhưỡng ngày hôm qua tuyên bố, ý chí phi hạt nhân hóa của Triều Tiên là không thay đổi và kiên định. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hi vọng tìm được giải pháp để đáp ứng lợi ích của cả hai nước bằng cách thức mới, trong kỉ nguyên mới thông qua đối thoại và đàm phán mang tính xây dựng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ hi vọng quan hệ Mỹ - Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ được giải quyết theo từng giai đoạn. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn hi vọng cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới tại Singapore để thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa nhưng thừa nhận sẽ cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu đó.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên sắp tới được mong đợi sẽ hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, dù hai bên vẫn bất đồng quan điểm. Mỹ muốn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra nhanh chóng và không thể đảo ngược, trong khi Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi "đòi hỏi một chiều" về phi hạt nhân hóa.

Mỹ và Triều Tiên muốn gì trong “ván cờ” phi hạt nhân hóa?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Theo các chuyên gia, với Tổng thống Trump, chính sách cứng rắn một mực yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ khiến tham vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên rơi vào bế tắc. Bởi trên thực tế việc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Triều Tiên sẽ không dễ dàng và nhanh chóng từ bỏ chương trình hạt nhân đã tiến hành trong suốt 25 năm qua, kể cả khi Tổng thống Trump cam kết những lợi ích kinh tế to lớn nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa trước. 

Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra tại Singapore thành công, thì với Tổng thống Trump đây mới là bước khởi đầu chứ không phải Mỹ đã giải quyết hoàn tất vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ phải cân nhắc rất nhiều cho “ván cờ” phi hạt nhân hóa này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để đổi lấy những khoản chi lớn từ Mỹ dưới hình thức dỡ bỏ trừng phạt hay đảm bảo an ninh, Triều Triên sẽ phải làm nhiều hơn và hành động nhanh hơn. Cũng có những ý kiến chuyên gia đặt hy vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử này, song sau khi chứng kiến Tổng thống Trump hết hủy rồi nối lại cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên, nhiều nhà quan sát cảm thấy không chắc chắn.

Đặc biệt, sự mâu thuẫn luôn thường trực bên trong Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của mình. Một cuộc đấu trí có thể đang diễn ra giữa Tổng thống Trump và giới chức Nhà Trắng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ mới được bổ nhiệm John Bolton là người luôn cho rằng cuộc đàm phán với Triều Tiên là vô nghĩa. Chính ông Bolton cảnh báo kịch bản Libya với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh với Mỹ.

Nếu ông Bolton thắng thế trong cuộc đấu trí này, Washington sẽ có lựa chọn duy nhất buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Điều này cũng buộc Mỹ phải dùng đến những biện pháp trừng phạt, gây sức ép ngoại giao, tài chính và cả quân sự.

Thậm chí, nếu mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nhanh chóng thất bại và việc Mỹ cố ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh thảm khốc. Thế giới đã từng chứng kiến điều này trong năm 2017, khi Triều Tiên đe dọa tấn công Mỹ bằng tên lửa và Tổng thống Trump đáp trả bằng tuyên bố hủy diệt Triều Tiên.

Như vậy cũng có nghĩa là Tổng thống Trump sẽ đi lại vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm khi không thể giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, nếu không thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự nguyện và thiện chí thực hiện từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn với Tổng thống Trump. Bởi phi hạt nhân hóa thực sự có nghĩa là tạo ra một môi trường an ninh và chính trị khác biệt, để Triều Tiên cảm thấy được đảm bảo và không còn cần thiết phải sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các chính sách thù địch với Mỹ. Nhưng liệu một nhà lãnh đạo Mỹ thiếu kiên nhẫn sẽ chờ đợi được bao lâu? Và ông Trump sẽ hành động thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ và Triều Tiên muốn gì trong “ván cờ” phi hạt nhân hóa?