Mỹ rơi vào thế “lưỡng nan” với Saudi Arabia vì nhà báo Khashoggi

Hà Kim| 29/10/2018 16:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cái chết của nhà báo Khashoggi đã tạo ra một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Vụ nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/10 vừa qua đã khiến cả 2 rối bời, đặc biệt là Riyadh, vương quốc dường như bị bất ngờ vì làn sóng chỉ trích và đang đứng trước bờ vực bị Mỹ trừng phạt.

Có thể, Nhà Trắng sẽ tỏ ra ủng hộ Riyadh nhưng vẫn phải hành xử theo xu thế tất yếu khi mà những bài báo chỉ trích được đăng đều đặn mỗi ngày còn các viện nghiên cứu thì trả lại tiền mà Hoàng tộc Saud tài trợ và Quốc hội Mỹ thì đang chủ động xem xét các lệnh trừng phạt.

Trước cái chết của Khashoggi, Mỹ dường như ngày càng không hài lòng về mối quan hệ đồng minh với Saudi Arabia. Giống như một cuộc “hôn nhân” thất bại, hay Washington và Riyadh lâu nay đã “li thân”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang có sự dịch chuyển niềm tin đối với Saudi Arabia. Từ chỗ bày tỏ tin tưởng Thái tử Mohammed không hay biết về vụ sát hại Khashoggi, ông Trump đã phải lên tiếng chỉ trích câu chuyện của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo này là “sự che đậy vụng về chưa từng có”.

Mỹ rơi vào thế “lưỡng nan” với Saudi Arabia vì nhà báo Khashoggi

Cái chết của nhà báo Khashoggi đã tạo ra một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia

Cái chết của nhà báo Khashoggi hiện đang gây chấn động dư luận quốc tế không chỉ vì nghi vấn ông bị tra tấn và phân xác, mà còn vì địa vị cao của ông ở chính Saudi Arabia trước khi sang Mỹ sống lưu vong và mối liên hệ mật thiết của ông với phương Tây.

Giờ đây, Khashoggi bị giết một cách man rợ hay không, hoặc còn sống và bị bắt về Riyadh theo lệnh của Thái tử Mohammed bin Salman, cũng đều có thể đẩy quan hệ Mỹ - Saudi Arabia xuống một đáy mới.

Vụ việc khiến Quốc vương Salman, người đã “buông rèm nhiếp chính” suốt quãng thời gian cải cách và bắt bớ trên, giờ phải xuất hiện trở lại để giải quyết cuộc khủng hoảng uy tín có lẽ là chưa từng có đối với Hoàng tộc Saudi, và có lẽ cũng để níu kéo những mối quan hệ đồng minh quá quan trọng, như với Washington.

Nhà Trắng mới đây cho biết, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Gina Haspel đã báo cáo cho Tổng thống Donald Trump về cuộc điều tra liên quan tới cái chết của Khashoggi sau khi trở về từ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Haspel được cho là đã nghe cuốn băng ghi âm nội dung cuộc thẩm vấn và sát hại nhà báo Khashoggi.

Bài toán đặt ra cho Tổng thống Trump bây giờ là ông phải nghe ai? Một bộ phận quan chức Mỹ sẽ cố vấn cho ông rằng quan hệ với Saudi Arabia quá quan trọng vì vấn đề dầu lửa, buôn bán vũ khí và chính trị khu vực. Nhưng những lập luận đó đã không còn tính thuyết phục mạnh mẽ như 35 năm trước. Trong khi bộ phận còn lại sẽ cho rằng Mỹ không cần phải thân thiết với Saudi Arabia mới đạt được những mục tiêu đối ngoại hay thỏa mãn nhu cầu năng lượng.

Quan điểm của các nghị sỹ đối với Riyadh được thể hiện rõ ràng hơn khi tuần trước Quốc hội Mỹ kêu gọi điều tra nhân quyền đối với cái chết của Khashoggi và để ngỏ khả năng trừng phạt. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham thậm chí còn kêu gọi Saudi Arabia phế truất Thái tử Mohammed.

Trước tình thế đó, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Iran, Nhà Trắng vẫn có thể duy trì ủng hộ đối với Saudi Arabia chừng nào có thể. Nhưng cái chết của Khashoggi đã mở ra khả năng Mỹ đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia mà nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump không làm điều đó thì rất có thể chính quyền tiếp theo sẽ làm, hoặc Quốc hội Mỹ sau bầu cử tháng 11 tới sẽ giục giã hơn về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ rơi vào thế “lưỡng nan” với Saudi Arabia vì nhà báo Khashoggi