Mỹ “kích nổ quả bom” trước thượng đỉnh Nga - Mỹ nhằm mục đích gì?

Hà Kim (Theo CNN)| 15/07/2018 15:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ba ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 12 nhân viên tình báo quân đội Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

CNN ngày 14/7 đưa tin, trong khuôn khổ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 12 công dân Nga đột nhập mạng lưới máy tính và email của đảng Dân chủ Mỹ trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016 để xoay chuyển tình thế có lợi cho ứng viên đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Theo đó, tất cả 12 công dân Nga nằm trong danh sách của Bộ Tư pháp Mỹ đều được cho là thành viên của Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU).

Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 được đưa ra đúng thời điểm Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, và nhất là khi Tổng thống Trump sắp gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki (Phần Lan) ngày 16/7. Diễn biến mới này đã làm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ.

Mỹ “kích nổ quả bom” trước thượng đỉnh Nga - Mỹ nhằm mục đích gì?

Danh sách của Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 12 công dân Nga

Việc công bố bản cáo trạng diễn ra chỉ 3 ngày trước cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin cũng khiến giới quan sát đặt câu hỏi, mục đích thực sự của ông Robert Mueller là gì?

Một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và bản cáo trạng được công bố ngay khi mọi việc đã hoàn tất. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein, cáo trạng được ban hành sau khi các nhân viên thu thập đầy đủ dữ liệu, bằng chứng và quyết tâm phơi bày sự việc ra trước ánh sáng. Điều này phản ánh tiến độ làm việc của Cố vấn Mueller cùng các nhân viên dưới quyền ông.

Tuy nhiên cũng có ý kiến khác nhận định, ông Muller đang cố tình “chơi khó”, buộc Tổng thống Donald Trump phải cứng rắn hơn với Nga trong cuộc đàm phán.

Hiện nay, mọi con mắt đang đổ dồn về Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ mà ông Trump cho là “nhiệm vụ dễ dàng nhất” trong chuyến công du nước ngoài của ông, bắt đầu từ ngày 11/7, thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO.

Việc công bố bản cáo trạng đã khiến một số quan chức cấp cao trong Thượng viện Mỹ “ngỡ ngàng” vì họ cho rằng, Bộ Tư pháp sẽ không công bố tin tức về cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ quá sát thời gian diễn ra cuộc gặp của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin. Trong các bản cáo trạng trước đây của ông Muller, thông tin về đối tượng bị buộc tội và thời điểm buộc tội luôn được giữ kín.

Theo giới phân tích, động thái của Bộ Tư pháp đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump rơi vào thế khó xử và không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận sự việc đã rồi.

Một số nghị sĩ đã đề xuất Tổng thống Trump nên ngừng cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga Putin. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết, việc Tổng thống Trump bắt tay với người đồng cấp Putin ở thời điểm có cáo buộc liên quan tới 12 công dân Nga là xúc phạm đến nền dân chủ của Mỹ.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã lên tiếng khẳng định Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ không bị hủy bỏ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng cao Tổng thống Trump sẽ tiếp tục bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein ngày 13/7 cũng thừa nhận, ông đã báo cho Tổng thống Trump về việc buộc tội 12 công dân Nga từ trước đó vài ngày và ông Trump dường như đã phớt lờ điều này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga thẳng thắn cho rằng mục đích của cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ là nhằm “gây tổn hại tới bầu không khí tích cực” trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan. Bộ Ngoại giao Nga còn đánh giá những cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ “kích nổ quả bom” trước thượng đỉnh Nga - Mỹ nhằm mục đích gì?