Mỹ không hề bất ngờ trước những “đòn lên gân” của Triều Tiên

Hà Kim| 17/04/2017 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ thử tên lửa vào sáng sớm 16/4 của Triều Tiên được cho là một hành động “ném đá dò đường” để xem thái độ của Mỹ thế nào. Tuy nhiên, cho tới giờ, Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ một động thái nào nhằm “trả đũa” Triều Tiên hay thể hiện sức mạnh.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) cho biết, vào sáng 16/4, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ khu vực gần cảng Sinpo ở bờ biển phía đông nước này. Nhưng tên lửa đã nổ tung trên trời chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.

Vụ phóng tuy thất bại nhưng bản chất vẫn nhằm biểu dương sức mạnh. Thế nhưng đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra im lặng bất thường trước động thái này.

Theo một cố vấn an ninh Mỹ, chính quyền ông Trump đã biết rõ về việc này của Triều Tiên và không hề thấy ngạc nhiên về điều đó. Vậy tiếp theo đây, Mỹ và các đồng minh sẽ làm gì để đưa ra giải pháp đối phó với Triều Tiên?

Trước đó, nhiều người lo ngại căng thẳng giữa Bình Nhưỡng - Washington có thể leo thang thành xung đột quân sự, đặc biệt khi cả Mỹ và Triều Tiên liên tục có những hành động chứng tỏ sức mạnh quân sự và thái độ cứng rắn.

Mỹ đã chứng minh việc không ngại đơn phương dùng giải pháp quân sự bằng việc dội 59 tên lửa vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria hôm 7/4, sau khi cáo buộc lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không kích bằng chất độc hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nhắm vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và điều đội tàu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực.

Nhưng cho đến nay, dù Triều Tiên phóng tên lửa “khiêu khích” thì chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khá im lặng và chưa có động thái gì cho thấy sẽ có hành động trả đũa cứng rắn như mọi người lo sợ. Điều này khác với những tuyên bố cứng rắn gần đây của ông Trump.

Mỹ không hề bất ngờ trước những “đòn lên gân” của Triều Tiên

Mỹ không hề bất ngờ trước những “đòn lên gân” của Triều Tiên

Theo hãng tin NBC News, Tổng thống Donald Trump đang nghỉ cuối tuần tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago cùng với gia đình vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Và lịch trình làm việc của Phó Tổng thống Mike Pence ở Hàn Quốc vẫn diễn ra bình thường. Điều này giúp minh định rằng “lằn ranh đỏ” mà ông Trump và các quan chức quốc phòng Mỹ vạch ra là kịch bản Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết, dựa trên các báo cáo thì loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng thất bại có thể là một loại tên lửa mới chứ không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa đủ khả năng vươn đến Mỹ.

Nhưng tờ báo South China Morning Post (SCMP) lại cho rằng, việc Triều Tiên không tiến hành thử nghiệm hạt nhân mà thay vào đó chỉ tổ chức diễu binh phô diễn sức mạnh quân sự và phóng tên lửa “thất bại” là dấu hiệu cho thấy nước này đang vừa thách thức nhưng cũng rất kiềm chế trước Mỹ.

Được biết, ngay sau vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm để trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Trump cũng nói rằng, Washington đang tiếp nhận sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.

Ông Trump viết trên Twitter ngày 16/4, "Tại sao tôi phải gọi Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ khi họ đang làm việc với chúng ta về vấn đề Triều Tiên? Hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra". Đây là bình luận đầu tiên của ông Trump liên quan đến Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa thất bại.

Trước đó, Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ gọi Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Mỹ tuần trước không làm vậy trong một báo cáo ngoại tệ hàng năm của Bộ Tài chính.

Cố vấn an ninh cao cấp của Hoa Kỳ cũng cho biết, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thảo luận "một loạt giải pháp" về Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ không hề bất ngờ trước những “đòn lên gân” của Triều Tiên