Kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi suy thoái trong năm 2020 do dịch COVID-19

Bạch Dương| 10/06/2020 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần hai tháng tạm đình chỉ, nền kinh tế toàn cầu khó có thể thoát khỏi cuộc suy thoái năm 2020, Sputnik dẫn lời ông Aghvan Mikaelyan, thành viên Hội đồng quản trị mạng tư vấn và kiểm toán quốc tế FinExpertiza cho biết.

Kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi suy thoái trong năm 2020 do dịch COVID-19

Ảnh minh họa

Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một bản dự báo, theo đó suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ lên tới 5,2%, thay vì mức tăng trưởng 2,5% được dự kiến hồi tháng 1. Sự suy giảm này sẽ là sâu nhất kể từ Thế chiến II, và sự sụt giảm trong sản xuất bình quân đầu người sẽ ảnh hưởng đến phần lớn các quốc gia.

Theo ông Mikaelyan, hiện tại các dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là khá đầy đủ. “Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng rằng 20 nền kinh tế toàn cầu chiếm 90% GDP thế giới thực tế đã không hoạt động trong hai hoặc ba tháng hoặc chỉ hoạt động một phần, lại có thể ra khỏi suy thoái kinh tế - đó là điều gần như không thể”, ông Mikaelyan khẳng định.

Ông Mikaelyan cho rằng, có thể thấy là các nền kinh tế của Đông Nam Á đang phục hồi khá nhanh, “đây là những nước đầu tiên bước vào khủng hoảng do dịch COVID-19, và là những quốc gia đầu tiên thoát khỏi nó. Nhưng tôi cho rằng mức giảm 5% toàn cầu hoàn toàn thực tế, thậm chí sẽ phải xem xét lại một số dự báo”.

Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch COVID-19 và các biện pháp cách ly để ngăn chặn có tác động gây sốc mạnh và lan rộng đối với kinh tế toàn cầu, khiến nó rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Đồng thời, sự khôi phục lại kinh tế dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021 - theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP thế giới sẽ là 4,2%, chứ không phải 2,6%, như dự báo hồi tháng 1.

Báo cáo hôm 8/6 của Ngân hàng Thế giới (WB)cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.

Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay.

Các quốc gia nơi mà đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất. Mặc dù mức độ gián đoạn sẽ khác nhau theo từng khu vực, tuy nhiên tất cả EMDE đều bị tổn thương và tổn thương này còn nghiêm trọng hơn do các cú sốc từ bên ngoài.

Hơn nữa, sự gián đoạn trong việc học tập, tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể có tác động lâu dài đến sự phát triển vốn nhân lực.

Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế của WB, cho rằng đây là triển vọng đáng quan ngại với cuộc khủng hoảng có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu. Theo bà, điều quan trọng đầu tiên là cần giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và sức khỏe toàn cầu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi suy thoái trong năm 2020 do dịch COVID-19