JCPOA: Iran bước tiếp, Mỹ không xoay chuyển

Trâm Anh (theo AFP)| 06/09/2019 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết chính quyền Tehran sẽ mở rộng nghiên cứu và phát triển hạt nhân kể từ ngày 6/9.

Thông báo trên được Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Hội đồng An ninh tối cao Iran đưa ra trong cuộc họp báo ngày 4/9, sau cuộc gặp với Chánh án Tư pháp Iran Seyyed Ebrahim Raisi và Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani.

Đây là bước đi tiếp theo trong việc cắt giảm các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết giữa Tehran và các cường quốc thế giới vào năm 2015, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

JCPOA: Iran bước tiếp, Mỹ không xoay chuyển

Lệnh của Rouhani khởi động lại các hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Tehran trước sự thất bại của các cường quốc châu Âu trong việc giải cứu thỏa thuận năm 2015

“Bước thứ ba” rút khỏi thỏa thuận JCPOA

Iran sẽ thiết lập chi tiết cắt giảm các cam kết mới nhất theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào thứ Bảy (7/9), để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và sau khi nhận thấy các bên khác không có hành động gì để cứu hiệp định.

Hãng tin ISNA hôm nay đưa tin, phát ngôn viên Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran Behrouz Kamalvandi sẽ tổ chức một cuộc họp báo để thông tin chi tiết về đợt cắt giảm thứ ba của Tehran kể từ tháng 5.

Iran và ba nước châu Âu - Anh, Pháp và Đức - đã tham gia vào các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng và cứu vãn thỏa thuận đa phương JCPOA đã bị phá vỡ kể từ khi Mỹ rút hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng không có thỏa thuận rõ ràng trước mắt. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư đã thực hiện lời hứa sẽ tiến thêm một bước ra khỏi thỏa thuận giữa Iran và năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cộng với Đức (P5 + 1).

"Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran được lệnh bắt đầu ngay lập tức bất cứ điều gì cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và từ bỏ tất cả các cam kết có liên quan đến nghiên cứu và phát triển", ông Rouhani nói.

"Kẻ thù" của Iran, Israel đã đáp trả bằng cách kêu gọi thêm áp lực quốc tế đối với Iran. "Đây không phải là thời gian để tổ chức các cuộc đàm phán với Iran; đây là thời gian để tăng áp lực đối với Iran", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.

Iran đã hai lần đưa ra các biện pháp đối phó để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

JCPOA: Iran bước tiếp, Mỹ không xoay chuyển

Thông báo mới nhất được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington sau một loạt sự cố liên quan đến tàu chở dầu

Ngày 8/5 vừa qua, đúng một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên quốc gia Hồi giáo này, Iran đã đình chỉ một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân.

Vào ngày 1/7, Iran cho biết họ đã tăng kho dự trữ uranium đã làm giàu lên vượt quá giới hạn 300kg theo thỏa thuận. Một tuần sau, họ tuyên bố đã tăng mức làm giàu uranium lên 5%, vượt ngưỡng 3,67% được quy định trong hiệp ước hạt nhân đa phương ký năm 2015

Theo ông Rouhani, bước thứ 3 của việc thu hẹp cam kết trong JCPOA sẽ được thực hiện từ ngày 6/9, sau khi các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm các nước P4+1 không mang lại "kết quả mong muốn".

"Chúng tôi đã thực hiện bước đầu tiên trong việc giảm các cam kết của mình và đưa ra thời hạn 2 tháng cho nhóm P4+1. Chúng tôi đã tiếp tục tiến hành giai đoạn thứ hai, đưa ra cho họ thêm hai tháng nữa. Trong 4 tháng qua, chúng tôi đã tổ chức đàm phán với nhóm P4+1, bao gồm cả Liên minh châu Âu và ba quốc gia châu Âu nói riêng", ông Rouhani cho hay.

Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh rằng Iran đã không nhận được kết quả như mong muốn, vì vậy Tehran sẽ thực hiện bước thứ ba vào ngày 6/9.

"Từ ngày 6/9, chúng tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu và phát triển nhiều loại máy li tâm khác nhau, các loại máy li tâm thế hệ mới và bất cứ thiết bị nào cần thiết để đẩy nhanh tốc độ làm giàu urani. Mọi giới hạn bị áp lên AEOI sẽ được gỡ bỏ vào ngày 6/9" – Tổng thống Rouhani tuyên bố, đồng thời khẳng định họ hiện chỉ làm giàu urani để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân.

Cũng theo ông Rouhani, Tehran sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của họ và phát triển máy li tâm là "bước đi thứ ba" trong quá trình cắt giảm cam kết trong JCPOA. Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp báo, ông Rouhani nhấn mạnh rằng việc cắt giảm các cam kết có thể được đảo ngược nếu các bên còn lại trong JCPOA thực hiện đúng nghĩa vụ của họ.

Xây dựng đòn bẩy

EU hôm 5/9 đã lên tiếng kêu gọi Iran không tiến hành các động thái để từ bỏ các cam kết theo thỏa thuận, được gọi là JCPOA. "Chúng tôi thấy rằng những hoạt động này không phù hợp với JCPOA," phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Carlos Martin Ruiz de Gordejuela nói. "Chúng tôi kêu gọi Iran đảo ngược các bước này và kiềm chế các biện pháp tiếp theo làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân".

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ hôm thứ Tư đã bác bỏ bất kỳ sự miễn trừ trừng phạt nào do Pháp đề xuất, mà theo Tehran có thể đưa họ trở lại tuân thủ hoàn toàn với thỏa thuận này. "Chúng tôi không mong muốn cấp bất kỳ trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ nào", Brian Hook, điều phối viên Bộ Ngoại giao Iran nói.

JCPOA: Iran bước tiếp, Mỹ không xoay chuyển

Quan chức Bộ Ngoại giao Brian Hook cho biết Hoa Kỳ "không chấp thuận bất kỳ trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ" nào cho các lệnh trừng phạt

Iran đã bày tỏ sự thất vọng về thất bại của châu Âu trong việc bù đắp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ gây ra cho Iran để đổi lấy việc Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.

Ngày 30/8, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, kho dự trữ uranium của Iran đứng ở mức khoảng 360kg, trong đó chỉ hơn 10% được làm giàu tới 4,5%.

Tổng thống Rouhani đã nhấn mạnh rằng các biện pháp đối phó mà Iran đã áp dụng đều có thể đảo ngược nếu các bên còn lại trong thỏa thuận tôn trọng các cam kết của họ nhằm đưa ra biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, ông cũng đã đưa ra tối hậu thư châu Âu 60 ngày trước khi Iran bỏ một cam kết khác.

Francois Nicoullaud, cựu đại sứ Pháp tại Iran, cho biết các động thái sẽ được nêu chi tiết vào thứ Bảy có thể tập trung vào việc đưa vào máy ly tâm mới để làm giàu uranium - và sẽ "chỉ có thể đảo ngược một phần". "Ngay cả khi nghiên cứu bị dừng lại, lợi ích trí tuệ là mãi mãi," ông nói.

Nhưng nhà phân tích Henry Rome - một chuyên gia về Iran cho công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Washington - lập luận rằng động thái này dường như là "khiêu khích nhưng có thể đảo ngược". "Tehran đang xây dựng đòn bẩy, không phải là một quả bom", Rome nói.

Ông nói thêm rằng sáng kiến của Pháp - cung cấp cho Iran một khoản tín dụng trị giá hàng tỷ đôla để đổi lấy việc quay trở lại tuân thủ thỏa thuận - "có khả năng bị hủy bỏ" bởi vì nó cần phải có sự chấp thuận của Washington. "Liệu Hoa Kỳ có tán thành một sáng kiến  có mục đích rõ ràng và trực tiếp phá hoại chính sách 'áp lực tối đa' của họ?" Rome đưa ra câu hỏi. "Mặc dù Trump rất muốn đàm phán trực tiếp với Rouhani, nhưng không có khả năng tại thời điểm này, Trump sẽ sẵn sàng trả giá nhập học cho Iran".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
JCPOA: Iran bước tiếp, Mỹ không xoay chuyển