Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ranh giới thành, bại hay sự đột phá bất ngờ?

Hà Kim (Theo Reuters)| 11/06/2018 16:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đặt chân đến Singapore để bắt đầu cho những ngày “lịch sử” trong quan hệ hai nước và khu vực.

Cho đến thời điểm hiện tại, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã bước xuống sân bay của đảo quốc sư tử, điều này cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim đã thành công, ngay cả khi kết quả cuộc gặp mặt không mang lại nhiều thỏa thuận lớn lao.

Hiếm khi trong lịch sử hiện đại có một hội nghị thượng đỉnh mà không thể chắc chắn về kết quả như hội nghị ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Có quá nhiều cách lý giải nhưng hơn cả có lẽ là vấn đề niềm tin. Cho đến trước khi cuộc gặp Trump - Kim có lịch chính thức, nhiều người vẫn hoài nghi về những dấu hiệu ôn hòa, có lúc dùng lời có cánh khen nhau giữa Triều Tiên với Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ranh giới thành, bại hay sự đột phá bất ngờ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Một bên là lãnh đạo của đất nước đã dành ra ba thập kỷ để phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân. Kim Jong-un khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Triều Tiên là phát triển kinh tế, nhưng Bình Nhưỡng cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự và rồi vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì tin rằng đó là sự đảm bảo sống còn.

Các quan chức và giới truyền thông Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ hoài nghi với Bình Nhưỡng, vốn có lịch sử khép kín kéo dài và các chương trình ngoại giao không ai có thể lường trước. Sự thay đổi trong thái độ và hành động với Triều Tiên đôi khi chỉ xảy ra trong tích tắc.

Một bên là một Tổng thống Mỹ được đánh giá là thất thường, khó đoán, xem thường lời khuyên từ những quan chức của mình và hoàn toàn tin vào bản năng cùng cảm giác về "nghệ thuật thương thảo".

Sự khó lường của cả hai có thể khiến cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim kéo dài tới hai ngày, nhưng cũng có khả năng chỉ diễn ra trong vài phút, với ranh giới thành - bại rất mong manh.

Theo giới chuyên gia, hiện “lá bài” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều mang đến Singapore là những nhượng bộ họ có thể đưa ra trước đối phương. Lãnh đạo Kim Jong-un được kỳ vọng là sẽ mang tới quyết định đình chỉ thử nghiệm tên lửa, hạt nhân và có thể tiến xa hơn bằng tuyên bố đóng băng các hoạt động và phá hủy vũ khí hạt nhân.

Joseph Yun, cựu đặc sứ Mỹ về chính sách Triều Tiên, hiện là cố vấn Viện Hòa bình Mỹ cho biết, khả năng lớn nhất là cuối hội nghị, Triều Tiên nói sẵn sàng phi hạt nhân hóa nhưng phải qua đàm phán.

Còn Robert Gallucci, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên thời cựu tổng thống Bill Clinton, tuyên bố cụ thể về phi hạt nhân hóa do Kim Jong-un đưa ra sẽ là chìa khóa cho thành công hay thất bại của ông Trump ở Singapore.

Trong khi đó, Siegfried Hecker, nhà vật lý có kinh nghiệm trực tiếp về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho biết, việc phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và năng lực sản xuất có thể mất ít nhất 10 năm.

Ở tầm quốc gia, Mỹ kỳ vọng Triều Tiên sẽ nhượng bộ các vấn đề liên quan đến phi hạt nhân hóa. Nhưng chắc chắn chính Mỹ cũng hiểu rằng điều đó là tham vọng hay chí ít phải cần thời gian vừa để Triều Tiên suy nghĩ, vừa để Mỹ tính toán phương án có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng trở thành một quốc gia “bình thường”.

Về phía Tổng thống Trump, ông có nhiều cách khác nhau để đáp lại nhượng bộ của Triều Tiên, như đưa ra lời đảm bảo an ninh và cam kết không tấn công quốc gia này. Ông Trump cũng gợi ý rằng, ông có thể sẵn sàng bắt đầu đàm phán để đưa ra hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Đồng thời, Mỹ có thể thiết lập một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên thiết lập văn phòng của họ ở Washington, nhằm tiến tới công nhận lẫn nhau.

Một cách khác để Mỹ chứng minh tính linh hoạt trong đàm phán là giảm tập trận chung với Hàn Quốc, hạn chế sử dụng những gì Bình Nhưỡng xem là "khí tài hạt nhân và chiến lược" như chiến đấu cơ F-22 và máy bay ném bom hạt nhân B1-B.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng sẽ phải dỡ bỏ và vị trí của Triều Tiên trong các tổ chức quốc tế sẽ được bảo đảm như một phần của việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Những khát vọng như vậy có thể là quá nhiều đối với những gì có thể xảy ra tại Singapore. Điều quan trọng là liệu các cuộc đàm phán tại hội nghị có mang tới sự đồng thuận và điều mà thế giới trông chờ nhất có lẽ chính là vai trò cá nhân của ông Trump và Kim.

Rõ ràng ông Trump và ông Kim đều đang muốn vứt bỏ mọi áp lực để hướng về thượng đỉnh. Hiện, sự tối - sáng của cuộc gặp mặt này trông chờ không ít vào bản lĩnh và sự đột phá đậm dấu ấn cá nhân của cả hai.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ranh giới thành, bại hay sự đột phá bất ngờ?