Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp: Nga sẽ trở lại?

Trâm Anh| 26/08/2019 08:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/8, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã tới khu nghỉ dưỡng Biarritz, Tây Nam nước Pháp, bắt đầu các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh thường niên.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải trải qua những vấn đề căng thẳng và khó lường như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Brexit hay thảm họa cháy rừng Amazon…. Bản thân trong nội bộ các nước G7 cũng bất đồng về hàng loạt vấn đề quan trọng.

Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp: Nga sẽ trở lại?

Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có quan điểm thân thiện rõ ràng khi họ ngồi xuống ăn sáng tại khu nghỉ mát Biarritz của Pháp, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7

Bất đồng trong vấn đề đưa Nga trở lại nhóm

Ngay buổi làm việc đầu tiên, các lãnh đạo nhóm G7 thể hiện sự bất đồng khi thảo luận khả năng đưa Nga trở lại nhóm. Trong khi Tổng thống Trump hối thúc G7 tái thu nạp Nga, các thành viên khác vẫn phản đối. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 tại Hoa Kỳ. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow coi bất kỳ liên hệ nào với các nước G7 đều hữu ích và không loại trừ việc Nga quay lại nhóm, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của Moscow.

Sau khi ông Trump công khai ủng hộ việc đưa Nga trở lại G7, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Johnson, Tổng thống Ukraine Zelensky, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk… đều phản đối đề nghị đưa Nga trở lại G8.

Thay vì mời Nga quay trở lại, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã đề nghị thảo luận về lời mời Ukraine đến Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp theo. Ông đã tuyên bố điều này tại một cuộc họp báo trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp). Sau khi nhắc lại đề nghị của Tổng thống Donald Trump đưa Nga trở lại G7, Donald Tusk lưu ý rằng, lời đề nghị này của lãnh đạo Mỹ là sự tha thứ cho việc “Nga xâm chiếm Crimea” và kêu gọi công nhận sự thật này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp: Nga sẽ trở lại?

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk phản đối việc đưa Nga trở lại nhóm G7

Năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm G8 do mâu thuẫn với phương Tây xung quanh vấn đề Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea. Sau vụ việc này, Nga đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu. Quan hệ giữa Mosow và phương Tây đã xuống mức thấp nhất kể từ hồi Chiến tranh Lạnh và cho tới nay hầu như chưa hồi phục.

Quan hệ Nga - Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột ở Donbass, miền Đông Ukraine nổ ra. Vào tháng 1/2015, Quốc hội Ukraine (Verkhovnya Rada) đã thông qua một tuyên bố trong đó Nga được gọi là "quốc gia xâm lược".

Ngoài ra, Kiev đã nhiều lần cáo buộc Moscow can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine. Nga phủ nhận tất cả những cáo buộc này và gọi chúng là không thể chấp nhận được. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột nội bộ Ukraine và chỉ quan tâm đến việc Ukraine làm cách nào có thể giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhiều vấn đề nóng được đưa ra thảo luận

Hội nghị nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới dành sự quan tâm lớn tới các vụ cháy rừng Amazon. Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí cần tăng cường hỗ trợ nhằm dập tắt đám cháy hiện nay tại rừng mưa Amazon ở Brazil. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron nói rằng cháy rừng đã tạo ra khủng hoảng quốc tế, ông cho rằng Amazon cần quản lý tốt hơn để chấm dứt tình trạng "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo nhóm G7 chia sẻ quan điểm chung rằng Iran không nên sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vẫn còn bất đồng trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề này. Các lãnh đạo G7 lo ngại rằng chiến lược thay đổi các thỏa thuận quốc tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là để phục vụ cho các lợi ích Mỹ trước tiên. Điều đó thể hiện đầu tiên ở việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông.

Ngoài ra, tại cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện sự bất đồng khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của loạt vụ phóng thử vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản khẳng định sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 45 diễn ra từ ngày 24 đến 26/8 tại thành phố biển Biarritz, miền Tây Nam nước Pháp. Đây là lần thứ bảy Pháp đảm nhận vai trò chủ nhà Hội nghị G7.

Khi Nga còn là thành viên, nhóm các nước công nghiệp phát triển có 8 nước thành viên (gọi tắt là G8) gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý và Nga. Nga bị loại khỏi Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu hàng đầu thế giới (G7) sau các sự kiện Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea và cuộc xung đột Donbass, miền Đông Ukraine nổ ra năm 2014.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp: Nga sẽ trở lại?