Hàng không Indonesia rơi vào "tâm bão" sau tai nạn thảm khốc của Lion Air

Hà Kim| 01/11/2018 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự cố máy bay của hãng hàng không Lion Air rơi ở Biển Java đã dấy lên nhiều câu hỏi về sự an toàn của các hãng hàng không Indonesia.

Ngày 29/10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) rơi xuống vùng biển ngoài khơi đảo Java, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Vụ việc đau buồn này nhắc nhớ đến lịch sử hàng loạt các vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại Indonesia.

Theo các lực lượng chức năng Indonesia, vị trí máy bay rơi ở vùng biển sâu khoảng 30-35m. Địa điểm phát hiện các mảnh vỡ cách vị trí máy bay mất liên lạc khoảng 2 hải lý. Nguyên nhân rơi máy bay chưa được xác định, tuy nhiên các lực lượng chức năng Indonesia đã xác định được vị trí hai hộp đen của chiếc máy bay này.

Sự cố máy bay của hãng hàng không Lion Air rơi ở Biển Java đã dấy lên nhiều câu hỏi về sự an toàn của các hãng hàng không Indonesia ngay sau khi các nhà quản lý Mỹ và châu Âu dỡ bỏ các lệnh cấm đối với họ.

Trước đó, ngành công nghiệp hàng không của Indonesia đã từng gặp nhiều khó khăn. Dù giao thông ở Indonesia chủ yếu dựa vào đường hàng không để kết nối hàng ngàn hòn đảo. Tuy nhiên, do mức độ an toàn thấp, trong những năm gần đây, Indonesia liên tiếp đối mặt với những tai nạn chết người. Chính vì vậy, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cấm máy bay của nước này vào không phận của họ năm 2007 sau khi để xảy ra một loạt các vụ tai nạn.

Nhưng vào tháng 6 vừa qua, các nhà quản lý châu Âu, sau khi đã cho phép Lion Air và một vài hãng vận tải Indonesia khác tiếp tục bay đến châu Âu đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hãng hàng không Indonesia còn lại.

Hàng không Indonesia rơi vào

Sự cố máy bay của Lion Air đã dấy lên nhiều câu hỏi về sự an toàn của các hãng hàng không Indonesia 

Được biết, Lion Air đã bắt đầu hoạt động từ năm 2000 như một hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Indonesia. Hãng chuyên sử dụng loại máy bay Boeing 737-200 cho các tuyến bay từ Jakarta tới Denpasar, thủ phủ đảo nghỉ dưỡng Bali.

Danh tiếng của hãng đã nhanh chóng nổi lên như cồn trong lĩnh vực vận tải hàng không nội địa, trở thành hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia và lớn thứ hai Đông Nam Á, sau hãng AirAsia của Malaysia.

Tuy nhiên, năm 2007, Lion Air cũng là một trong số các hãng hàng không Indonesia bị Liên minh châu Âu ban hành lệnh cấm bay do thiếu an toàn. Hiệu lực thi hành lệnh cấm là 10 năm, và lệnh cấm đã được EU gỡ bỏ năm 2016.

Vụ tai nạn máy bay đầu tiên xảy ra với của Lion Air xảy ra vào năm 2004, làm 26 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương do thời tiết xấu. Năm 2013, một trong các máy bay Boeing 737-800 của hãng này đã trượt khỏi đường băng và lao xuống biển khi đáp xuống đảo Bali, khiến nhiều người thương vong. Ba năm sau đó, hai máy bay chở khách của Lion Air đã rơi cánh quạt khi đang cất cánh từ sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta.

Cách đây 6 tháng, một chiếc máy bay của hãng hàng không này đã trượt khỏi đường băng tại sân bay Djalaluddin ở Gorontalo (Indonesia), làm 174 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn bị thương.

Không chỉ có Lion Air, nhiều hãng hàng không Indonesia cũng đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn như vào năm 2015, một chiếc máy bay của hãng Trigana Air đã bị rơi tại tỉnh Papua, tất cả 54 người trên máy bay tử nạn. Hay năm 2014, máy bay của AirAsia Indonesia bay tới Singapore đã đâm xuống biển Java, khiến tất cả 162 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Indonesia là vụ việc xảy ra năm 1997, làm 234 người thiệt mạng, khi chiếc Airbus A-300B4 của hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đâm vào khe núi ở Bắc Sumatra, ngay sau khi cất cánh từ sân bay Medan…

Harro Ranter, CEO của Mạng lưới an toàn hàng không ASN cho biết, các hãng hàng không Indonesia phải đối mặt với địa hình khó khăn ở một số tỉnh, thời tiết xấu thường xuyên dẫn đến tầm nhìn kém hay đơn vị kiểm soát không lưu còn một số thiếu sót. Cũng đang có những lo ngại rằng nước này sẽ không thể đào tạo hoặc thu hút đủ phi công chất lượng và trong khi đó, họ cũng sẽ phải cạnh tranh để duy trì đà tăng trưởng nhanh.

Ông Harro Ranter cũng cho biết, rất khó chỉ để dựa vào một tai nạn cụ thể mà nói về văn hóa an toàn, nhưng các nhà quản lý quốc tế sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra về sự cố lần này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng không Indonesia rơi vào "tâm bão" sau tai nạn thảm khốc của Lion Air