Danh sách khủng bố của Qatar như “đổ thêm dầu” vào chảo lửa ở Trung Đông

Hà Kim (Theo AFP)| 11/06/2017 07:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, các quốc gia Arab đã đưa tên 12 tổ chức và 59 cá nhân vào danh sách trừng phạt khủng bố, mà họ cho là có liên quan đến Qatar. Việc này khiến cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh với Doha càng trở nên căng thẳng.

Theo đó, Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết, họ đã đưa vào Danh sách trừng phạt khủng bố đối với các tổ chức và cá nhân vì có những vi phạm liên tục và tiếp diễn có liên quan đến chính quyền Doha.

Trong số các cá nhân trong Danh sách trừng phạt có tên Youssef al-Qaradawi, một giáo sĩ người Ai Cập được coi là lãnh đạo tinh thần của tổ chức Anh em Hồi giáo. Al-Qaradawi đã và đang bị kết án tử hình vắng mặt ở Ai Cập kể từ khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi năm 2013.

Việc các quốc gia Arab đưa ra Danh sách trừng phạt khủng bố càng tiếp tục gây sức ép đối với Qatar. Việc này cũng cho thấy, cuộc khủng hoảng vẫn đang leo thang mặc dù Kuwait đã có những nỗ lực làm trung gian hàn gắn những vết nứt ngoại giao.

Trước động thái này, Qatar một mực bác bỏ danh sách trừng phạt khủng bố trên và coi đó là "các cáo buộc vô căn cứ, không có cơ sở trên thực tế". AFP trích dẫn lời của nhà ngoại giao hàng đầu quốc gia này tuyên bố rằng, các quốc gia Arab không có "quyền phong tỏa đất nước tôi".

Danh sách khủng bố của Qatar như “đổ thêm dầu” vào chảo lửa ở Trung Đông

Danh sách khủng bố của Qatar như “đổ thêm dầu” vào chảo lửa ở Trung Đông

Trong một diễn biến liên quan Ai Cập đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc điều tra một báo cáo nói rằng, Qatar đã trả 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố đang hoạt động tại Iraq để giải phóng 26 con tin. Nếu thông tin này là sự thật, thì nước này đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống khủng bố.

Mặc cho Qatar đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này hỗ trợ hoặc tài trợ cho các nhóm khủng bố, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn cáo buộc rằng, chính phủ Qatar cho phép hoặc thậm chí khuyến khích tài trợ cho một số phần tử Sunni cực đoan, như chi nhánh của al-Qaeda tại Syria.

Trả lời cho cáo buộc này, Qatar đã đưa ra một tuyên bố: "Chúng tôi không, đã không và sẽ không hỗ trợ các nhóm khủng bố". Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã nhắc đi nhắc lại lời phủ nhận cáo buộc rằng, quốc gia của ông đã tài trợ cho các phần tử cực đoan. Ông cũng bác bỏ ý tưởng đóng cửa mạng lưới tin tức Al-Jazeera theo yêu cầu của Các quốc gia Arab.

Qatar cũng khẳng định nước này chống lại khủng bố một cách mạnh mẽ. Cụ thể, họ đã dẫn dắt khu vực chống lại gốc rễ của khủng bố, tạo hy vọng cho thanh niên qua công ăn việc làm, giáo dục hàng trăm nghìn người tị nạn Syria và tài trợ các chương trình cộng đồng để đẩy lùi tư tưởng cực đoan.

Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao và lệnh phong tỏa thương mại của Saudi Arabia và UAE đối với Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý đưa quân tới một căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại Qatar như một biểu hiện ủng hộ nước này.

Ông Mehmet Buyukeksi, Chủ tịch Hội đồng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lương thực và nước uống cho Qatar. Ông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp đủ lúa mỳ cho thị trường Qatar trong 4 tuần qua và chính phủ cũng đã có nguồn dự trữ lương thực chiến lược cho Doha.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã trực tiếp cáo buộc Qatar tài trợ các phần tử cực đoan, đã điện đàm với nhà lãnh đạo Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani hôm 9/6 và đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, Sheikh Mohammed nói với AFP rằng, Sheikh Tamim "sẽ không rời khỏi đất nước trong khi quốc gia đang bị phong tỏa" và từ chối mọi đề xuất nhằm xoa dịu căng thẳng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh sách khủng bố của Qatar như “đổ thêm dầu” vào chảo lửa ở Trung Đông