Đằng sau căng thẳng Indonesia-Trung Quốc xung quanh vụ tàu cá

TG| 25/04/2016 08:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc đang phá hỏng mối quan hệ hữu hảo giữa Indonesia - Trung Quốc và có nguy cơ gây tổn hại cho dự án "Con đường Tơ lụa trên Biển" do Bắc Kinh đề ra.

Báo Pháp "Courrier International" mới đây đã trích đăng bài viết của nhà ngoại giao Indonesia Ernesto Simanungkalit trên tờ "Kompas" (Indonesia), trong đó cho rằng sự tham lam ngày càng lớn của Trung Quốc đang phá hỏng mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước và có nguy cơ gây tổn hại cho dự án "Con đường Tơ lụa trên Biển" do Bắc Kinh đề ra. 

Đầu tiên, tờ báo nhắc lại vụ việc ngày 19/3, khi Indonesia bắt giữ chiếc tàu Trung Quốc Kway Fey 10078, vì đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna ở Tây Bắc Kalimantan (Bornéo). Việc bắt các tàu đánh cá lậu diễn ra thường xuyên từ khi Indonesia áp dụng chặt chẽ chính sách chống đánh cá trái phép, không khai báo và không chấp hành quy định. Điều bất thường là hai tàu quân sự Trung Quốc đã dùng vũ lực và có các hành động hăm dọa để ngăn chặn đội tuần duyên Indonesia chặn bắt tàu đánh cá trái phép theo như quy định của luật pháp nước này. 

Đằng sau căng thẳng Indonesia-Trung Quốc xung quanh vụ tàu cá

Chiếc tàu Kway Fey 10078 bị bắt quả tang đánh cá lậu tại vùng biển Indonesia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã biện minh cho hành động của hai tàu tuần duyên nước này, khẳng định rằng chiếc Kway Fey 10078 chỉ "hoạt động bình thường" tại "các vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc", do vậy Bắc Kinh phải bảo vệ cho các tàu cá trước các vụ tấn công và quấy nhiễu của Indonesia. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc còn đòi chính phủ Jakarta phải trả tự do ngay lập tức cho các thủy thủ chiếc Kway Fey 10078 hiện đang bị giam giữ, và bảo đảm an ninh cho họ.Tuy nhiên, ông Simanungkalit cho rằng việc Bắc Kinh biện minh rằng đó là “những vùng đánh bắt truyền thống” là sai và cực kỳ nguy hiểm.

Ông Simanungkalit nhận định lý lẽ này là “sai”, trước hết là vì Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mà Trung Quốc cũng có tham gia ký kết, không sử dụng thuật ngữ “vùng đánh bắt truyền thống” mà là “quyền đánh bắt truyền thống” cấp cho một quốc gia nào đó, trong vùng lãnh hải của một đảo quốc lân cận. Đây cũng là quyền mà Indonesia đã cấp cho Malaysia (tại vùng Sarawak, Bornéo), theo một hiệp định song phương. Nhưng trên thực tế, Malaysia không còn sử dụng đến hiệp định này nữa, từ khi kinh tế vùng Sarawak phát triển lên nhờ kỹ nghệ dầu cọ và gỗ rừng nhiệt đới. Thứ hai, lời biện minh của Trung Quốc là “nguy hiểm” ở chỗ Trung Quốc tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ở bất cứ những nơi nào mà họ cho là có mối liên hệ lịch sử và truyền thống. Với lý lẽ này, Trung Quốc dường như đang ngầm khẳng định tất cả các cảng biển của Indonesia đều sẽ là của Trung Quốc, bởi vì Đô Đốc Trịnh Hòa của Trung Quốc, hồi thế kỷ 15 đã từng ghé các cảng biển của Indonesia trên đường tới châu Phi.

Ông Simanungkalit cho rằng việc tàu quân sự của Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải nước khác là một hành động “vi phạm quyền quốc tế”. Ông còn chỉ trích thái độ hăm dọa của phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta là thiếu tính xây dựng, khi đòi hỏi Indonesia phải xử lý vụ việc “một cách khôn khéo” và phải “để ý đến mối quan hệ song phương Trung Quốc-Indonesia”. 

Theo ông Simanungkalit, Trung Quốc phải hiểu rằng cuộc chiến chống đánh bắt trái phép cũng là một phần của dự án “ngã tư hàng hải thế giới” do Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra ngay từ khi nhậm chức năm 2014. Dự án này sẽ phải được kết hợp đồng điệu với "Con đường Tơ lụa trên Biển" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi phần phía nam của con đường này phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Indonesia. Chính vì điều này, Bắc Kinh chỉ có lợi khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Jakarta. Hơn thế nữa, Bắc Kinh cũng phải nhớ rằng Indonesia hiện đang kiểm soát những eo biển quan trọng cho lưu thông hàng hải thế giới, mà sự an toàn và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc đáng kể vào điều đó. 

Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tiếng tăm của mình cũng như mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa ông Widodo với ông Tập Cận Bình cho một sự đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở? Có ý kiến cho rằng tham vọng của Trung Quốc đang mở rộng thêm và đã đến lúc Indonesia cần kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Với tư cách là một nước ký kết UNCLOS, liệu Indonesia có dám hiện thực hóa điều này?

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau căng thẳng Indonesia-Trung Quốc xung quanh vụ tàu cá