Cơ hội cuối cùng cho cuộc họp Iran-Mỹ

Trâm Anh (theo AFP)| 25/09/2019 11:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani chỉ còn cơ hội cuối cùng vào thứ Tư cho một cuộc họp lịch sử khi các nhà lãnh đạo châu Âu cùng nhau sắp xếp các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng đang lên cao.

Một cuộc họp giữa các đối thủ sẽ là cuộc gặp lịch sử nhưng nó cũng diễn ra dưới một đám mây chính trị u ám, khi các đối thủ Dân chủ của Trump hôm qua vừa tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra luận tội chống lại ông.

Cơ hội cuối cùng

Tranh thủ thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại New York cho Đại hội đồng thường niên của Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạo ra một cú hích mới để Trump gặp gỡ ông Rouhani.  Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Iran Rouhani và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Macron nói rằng thời gian không còn nhiều. "Nếu ông rời khỏi đất nước mà không gặp Tổng thống Trump, thành thật mà nói ông đã để mất một cơ hội hiếm hoi vì ông sẽ không quay lại đây sau vài tháng nữa", ông Macron nói. "Và Tổng thống Trump sẽ không đến Tehran, vì vậy hai người phải gặp nhau ngay bây giờ", ông nói, và Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng đồng ý.

Cơ hội cuối cùng cho cuộc họp Iran-Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

Macron đã đi đầu trong nỗ lực sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với hi vọng cứu vãn thỏa thuận phi hạt nhân hóa năm 2015 với Iran. Nhưng căng thẳng đã bùng phát trở lại sau các cuộc tấn công vào tháng này đối với hai cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi. Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công đó.

Trước đó, ngày 23/9, sau cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ba nước đã ra tuyên bố chung thể hiện đồng quan điểm với Mỹ, cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn Aramco (Saudi Arabia). Ngày 24/9, Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc mà Tehran cho là "nực cười" về việc nước này tiến hành các vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Saudi Arabia. Trong khi đó, hãng thông tấn Mehr (Iran) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhấn mạnh tuyên bố của các nước đó cho thấy các bên châu Âu không có sức mạnh hoặc ý chí để chống lại "sự ức hiếp của Mỹ."

Trong khi đó, phát biểu với báo giới bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông sẵn sàng để ngỏ khả năng thảo luận những điều chỉnh nhỏ, các điều khoản bổ sung trong thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Trump trước đó cũng đã lên tiếng sẵn sàng gặp Rouhani nhưng hôm qua vẫn nói rõ rằng ông sẽ không “giảm bớt áp lực kinh tế” đối với Iran - một điều kiện được mà Rouhani đặt ra để có bất kỳ cuộc họp nào. "Chừng nào hành vi đe dọa của Iran còn tiếp diễn, các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ. Chúng sẽ càng được siết chặt", ông Trump nói với Đại hội đồng. "Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ phải hành động. Không có chính phủ có trách nhiệm nào phải trợ cấp cho sự khát máu của Iran", ông nói. Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran cho đến khi Tehran từ bỏ vũ khí và các hành động của nước này tại Trung Đông.

Cơ hội cuối cùng cho cuộc họp Iran-Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Liên hợp quốc, nơi ông chỉ trích Iran và Trung Quốc

Hôm nay, Tổng thống Trump phải đối mặt với một cuộc họp báo về các luận tội của các đối thủ Dân chủ. Tổng thống Trump đang phải đối mặt những cáo buộc rằng ông gây áp lực cho Tổng thống Ukraine trong việc điều tra con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người có kế hoạch sẽ ra tranh vị trí Tổng thống với ông Trump trong cuộc bầu cử năm tới.

Liên tiếp những lời kêu gọi một cuộc đối thoại

Rouhani - trong một cuộc phỏng vấn với Fox News - nói rằng việc rút khỏi hiệp ước hạt nhân đã làm lung lay niềm tin. "Chúng ta phải tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau", ông Rouhani nói. "Nếu chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng nói chuyện, họ phải tạo ra các điều kiện cần thiết."

Hôm qua, Thủ tướng Đức Merkel đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Rouhani bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong nỗ lực cùng Pháp tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm cách giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sau khi gặp gỡ cả hai nhà lãnh đạo rằng điều kiện của Iran về các biện pháp trừng phạt là "không thực tế", mặc dù Macron nói rằng "các điều kiện đã được đáp ứng để giúp nối lại nhanh chóng các cuộc đàm phán."

Macron đã lên tiếng cảnh báo trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng về những rủi ro tiếp theo ở Trung Đông, nơi Arab Saudi cũng đang tiến hành một chiến dịch không quân tàn khốc ở Yemen.
"Khả năng rủi ro cao là sẽ có một sự bùng nổ dựa trên tính toán sai hoặc không tương xứng," Macron nói. "Tôi không ngây thơ và tôi không tin vào phép màu mà thay vào đó là sự can đảm để làm hòa và tôi tin rằng Hoa Kỳ, Iran và tất cả những người ký kết Thỏa thuận phi hạt nhân này đều có lòng can đảm đó", ông nói.

Bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ của mình, Trump vẫn được biết đến vì thích những cái kết nhẹ nhàng, như đã diễn ra trong ba cuộc gặp với người đàn ông mạnh mẽ của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, và thường hành động theo bản năng vào phút cuối.

Cơ hội cuối cùng cho cuộc họp Iran-Mỹ

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông làm trung gian về Iran

Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng cả Trump và Hoàng tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, người mà ông gặp trên đường tới New York, đã yêu cầu ông làm trung gian với Iran. "Trump hỏi tôi rằng liệu chúng ta có thể làm leo thang tình hình và có thể đưa ra một thỏa thuận khác không," Khan nói với các phóng viên. "Tôi không thể nói bất cứ điều gì ngay bây giờ nhiều hơn thế này, ngoại trừ việc chúng tôi đang cố gắng giúp hòa giải," ông nói thêm.

Pakistan có mối quan hệ chặt chẽ với Arab Saudi nhưng cũng duy trì mối quan hệ với Iran, đại diện cho lợi ích của họ tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Trump nói hôm thứ Hai rằng ông "không tìm kiếm bất kỳ người trung gian nào", và Iran “biết phải gọi ai”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cuối cùng cho cuộc họp Iran-Mỹ