Châu Âu lo ngại Tổng thống Trump “phớt lờ” đồng minh nóng lòng bắt tay Nga

Hà Kim (Theo AFP)| 02/07/2018 17:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau nhiều lần trì hoãn, Nga và Mỹ cuối cùng đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan vào tháng 7 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa thông báo họ sẽ gặp nhau ở Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7 ngay sau khi Tổng thống Trump dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels và thăm Anh.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, cuộc gặp ở Helsinki sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo Mỹ và Nga có một hội nghị thượng đỉnh. Việc Nga - Mỹ có thể gặp nhau tìm cách hóa giải bất đồng cho thấy chỉ cần thiện chí, mọi mâu thuẫn có thể giải quyết trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, con đường hòa giải quan hệ Nga - Mỹ còn nhiều chông gai do có quá nhiều yếu tố tác động.Trước hết, phải khẳng định rằng việc Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau tại thủ đô Hensinki của Phần Lan vào tháng 7 là động thái được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý.

Bởi sau 4 năm khi Nga sát nhập bán đảo Crimea đặc biệt là sau những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga - Mỹ đã chạm đáy căng thẳng. Ngoài ra, thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 đã và đang tạo đòn bẩy để gỡ rối vấn đề quốc tế nóng khác. Chớp lấy cơ hội ấy, thượng đỉnh Nga - Mỹ được tổ chức là đúng thời điểm để Mỹ và Nga ngồi lại với nhau.

Việc cải thiện quan hệ Nga – Mỹ và tăng cường đối thoại song phương sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho thế giới, tạo tiền đề giải quyết những thách thức toàn cầu khác. Lạc quan là thế, nhưng hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sắp tới liệu có mang lại kết quả như kỳ vọng? Đây là câu hỏi ngỏ chưa có đáp án.

Châu Âu lo ngại Tổng thống Trump “phớt lờ” đồng minh nóng lòng bắt tay Nga

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau tại thủ đô Hensinki của Phần Lan vào tháng 7 

Hiện, cả Nga và Mỹ đều thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện nay không ở trong tình trạng tốt nhất. Trong khi đó, nội dung hội nghị thượng đỉnh sắp tới được cho sẽ thảo luận những vấn đề khá gai góc trong quan hệ song phương. Đó là bàn cờ Nga - Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, vai trò các bên trong cuộc xung đột tại miền Đông Ucraina, khẩu chiến Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay làm sao tháo gỡ nút thắt nghi ngờ còn tồn tại.

Mặc dù, Washington và Moscow mỗi bên đều chi phối một số lực lượng và có vai trò nhất định trong việc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột này. Hai bên đã đàm phán về một số giải pháp như thực thi thỏa thuận Minsk tại Ukraine hay xúc tiến hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sỹ), song đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển do thiếu thiện chí chính trị. Và cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ là cơ hội tốt nhất cho các bên để thể hiện cam kết tìm giải pháp cho những điểm nóng xung đột này.

Tổng thống Putin hy vọng rằng ít nhất hai bên có thể có bước đi đầu tiên phá bỏ căng thẳng. Tổng thống Trump cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng nhìn chung các cuộc gặp đều có thể mang đến những điều tốt đẹp và tích cực.

Nhưng với châu Âu, cuộc gặp này có thể là một sự kiện đáng lo ngại, đánh dấu chính sách ngày càng xa rời đồng minh truyền thống của Washington.

Họ lo sợ rằng cuộc gặp Trump - Putin sẽ mang âm hưởng giống như hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ngày 12/6, khi ông Trump liên tiếp thể hiện thiện cảm với lãnh đạo Triều Tiên và có những động thái nhượng bộ bất ngờ trước Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ cũng có thể quá háo hức với cuộc gặp với ông Putin mà phớt lờ những thông điệp quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh NATO và cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May diễn ra ngay trước đó.

Nỗi sợ này càng lớn hơn sau khi các lãnh đạo phương Tây chứng kiến ông Trump kiên quyết rút khỏi tuyên bố chung G7 hồi đầu tháng và đăng những dòng tweet chỉ trích đồng minh khiến các nhà ngoại giao bị sốc.

Nỗi bất an này không phải là không có cơ sở. Tổng thống Trump đã ra lệnh ngừng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn chỉ để đổi lấy lời cam kết không cụ thể của lãnh đạo Kim Jong-un về "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Trong hội nghị thượng đỉnh lần này, đối thủ của ông Trump là ông Putin, lãnh đạo lão luyện và có kinh nghiệm đàm phán hơn Kim Jong-un rất nhiều.

Bởi vậy, khi ký tuyên bố chung Helsinki, ông Trump có thể ra lệnh ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - NATO ở Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn bị Nga phản đối từ lâu. Ông cũng có thể nới lỏng lệnh trừng phạt với Nga mà không tham vấn với các đồng minh châu Âu.

Ngay trong chính giới Mỹ cũng xuất hiện một số ý kiến lo ngại về khả năng Tổng thống Trump sẽ ký kết một thỏa thuận kèm theo những nhượng bộ "cho không, biếu không" đối với nhà lãnh đạo Nga, khiến sức ép đè nặng lên vai Tổng thống Trump.

Ở một góc nhìn khác, thượng đỉnh Mỹ - Nga cũng đang làm dấy lên nhiều hoài nghi về những tính toán thực sự của Mỹ với các đồng minh. Trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO và EU đang đóng băng, nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ "xích lại gần" Nga đang phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.

Giới quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump lại muốn gặp gỡ ông Putin trước thềm Hội nghị của NATO. Ông Donald Trump có thể thông qua đó gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo Châu Âu rằng ông không muốn bị bó buộc trong cách tiếp cận với Nga.

Nhiều người nhận định, hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, nếu diễn ra có thể đào sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh trong khối NATO bên cạnh những bất đồng quan điểm về thuế quan, an ninh và nhập cư.

Tuy nhiên, dù thế nào, việc hai nhà lãnh đạo Trump - Putin gặp nhau sau thời gian dài quan hệ Nga - Mỹ đóng băng, cũng là một tín hiệu vui. Mặc dù được đánh giá là sẽ khó tạo ra bước đột phá, song cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga mang một ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực hướng tới cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc luôn đối đầu nhau. Bởi vậy, cuộc gặp này, nếu diễn ra, rõ ràng là cơ hội tốt đẹp cho quan hệ hai nước cũng như cho hòa bình và ổn định trên thế giới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu lo ngại Tổng thống Trump “phớt lờ” đồng minh nóng lòng bắt tay Nga