Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn: Thương mại hay chính trị?

Trâm Anh| 19/08/2019 07:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách Trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại của Nhật Bản khiến quan hệ hai nước ngày càng trở nên căng thẳng.

Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách trắng"

Ngày 4/7/2019, Nhật Bản bắt đầu thắt chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế. Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ toàn cầu của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.

Tiếp sau đó, ngày 2/8, Nội các Nhật Bản đã phê duyệt quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi trong quá trình xuất khẩu (Danh sách trắng). Vị trí trong "Danh sách Trắng" - biểu tượng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các Chính phủ - cho phép Hàn Quốc cùng 26 quốc gia khác được miễn trừ quy trình kiểm tra đối với các mặt hàng nhất định. Hầu hết máy móc và linh kiện Hàn Quốc sử dụng cho sản xuất ôtô và chip được cho là thuộc nhóm này.

Hiện, danh sách White Countries của Nhật có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp... Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004. Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Quyết định dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 8 này. Khi đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải có giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu khoảng 1.120 mặt hàng sang Hàn Quốc bao gồm hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc... sau khi qua một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt liên quan tới vấn đề an ninh. Dự kiến quá trình để có được giấy phép phép sẽ mất tới 90 ngày. Ngoài sự kiểm soát từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Bộ Tài chính Nhật Bản cũng sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.

Dù chưa rõ những mặt hàng nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các nhà phân tích cho rằng danh sách có thể gồm pin lithium-ion, sợi carbon và các thiết bị cơ khí… Sự thắt chặt các quy định xuất khẩu của Nhật Bản làm dấy lên lo ngại ở Hàn Quốc rằng, các nhà sản xuất chất bán dẫn như Samsung Electronics và SK Hynix sẽ hết hóa chất dự trữ và không còn khả năng sản xuất các sản phẩm đó. Nhật Bản hiện kiểm soát từ 70% đến 90% nguồn cung những vật liệu này trên toàn thế giới, khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo rằng chuỗi cung ứng toàn cầu về thiết bị công nghệ có thể bị gián đoạn vì quyết định này của Nhật Bản.

Bằng cách chặn nguồn cung cấp những hóa chất quan trọng, Nhật Bản dường như đang nhắm vào thế mạnh của nền kinh tế công nghệ cao Hàn Quốc. Tokyo cho biết, những biện pháp đang được thực hiện là cần thiết bởi Hàn Quốc đã sử dụng không đúng cách các vật liệu nhạy cảm được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức tiến hành những biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại từ những biện pháp xiết chặt xuất khẩu của Nhật Bản. Ngày 11/7/2019, Đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc thông báo sẽ bổ sung 300 tỷ won (255 triệu USD) vào ngân sách chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các vật liệu bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu.

Người dân Hàn Quốc cũng tổ chức các đợt tuần hành phản đối hành động trên của Nhật Bản. Tư tưởng bài Nhật tại Hàn Quốc cũng nổi lên với làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm có xuất xứ từ đất nước Mặt trời mọc, từ những thương hiệu thời trang tới chuỗi cửa hàng mỳ ramen, mỹ phẩm, bia và cả du lịch. Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Canon, Toyota, Uniqlo... đã bắt đầu chịu tổn thất do sự đình trệ kinh doanh tại thị trường Hàn Quốc.

Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn: Thương mại hay chính trị?

Các cửa hàng ở Hàn Quốc dán biển hiệu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản 

Hành động đáp trả

Phản ứng trước hành động của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ có những hành động đáp trả mạnh mẽ và cứng rắn. Sáng 8/8, Chính phủ Hàn Quốc đã mở cuộc họp giữa các Bộ trưởng ban ngành hữu quan, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki, thảo luận đối sách liên quan tới việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc đã bàn thảo về vấn đề có loại Nhật Bản khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu các vật tư chiến lược hay không.

Hàn Quốc phân loại các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu là "Khu vực A", các quốc gia còn lại là "Khu vực B". Khu vực A gồm 28 quốc gia tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Anh. Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang thảo luận về việc lập thêm "Khu vực C" để xếp Nhật Bản vào trong đó.

Hàn Quốc dự định vào tháng 9 này sẽ loại quốc gia láng giềng khỏi "Danh sách Trắng" gồm 29 nước được hưởng ưu đãi về thủ tục xuất khẩu và đưa Nhật Bản vào một danh sách khác. Nếu Tokyo bị loại khỏi "Danh sách Trắng" của Seoul, thì doanh nghiệp sẽ phải trình Chính phủ phê duyệt với mỗi đơn hàng xuất khẩu vật tư chiến lược sang Nhật Bản, thay vì được phê chuẩn gộp một lần như trước đây.

Ngày 17/8, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Sung Yun-mo cho biết, Seoul đã báo trước với Tokyo về kế hoạch này, đồng thời khẳng định sẵn sàng trao đổi thêm với Tokyo nếu Tokyo yêu cầu, trong khi vẫn tiến hành lấy ý kiến của người dân trước khi thay đổi này có hiệu lực.

Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn: Thương mại hay chính trị?

Người Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Nhật Bản và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản

Có mục đích chính trị?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cáo buộc việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Hàn Quốc vì mục đích chính trị. Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ, không chỉ Seoul mà toàn thế giới đang lo ngại về động thái của Tokyo.

Nguyên nhân căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay được cho là liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời Thế chiến II. Phía Hàn Quốc cho rằng, đây là biện pháp trả đũa kinh tế xuất phát từ sự bất bình của Nhật Bản đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 30/10/2018, yêu cầu Nippon Steel, Tập đoàn thép lớn nhất Nhật Bản, phải bồi thường cho bốn lao động thời chiến Hàn Quốc mỗi người 100 triệu won (khoảng 85.000 USD). Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định nước này đã đáp ứng các khoản bồi thường cần thiết cho Hàn Quốc theo một hiệp ước mà hai nước ký kết với nhau năm 1965.

Trong Hiệp định ký năm 1965 thiết lập quan hệ bang giao giữa hai nước, các vấn đề về tài sản, quyền và lợi ích của hai nước và người dân hai nước trong quá khứ đã được giải quyết "hoàn toàn và triệt để", theo đó Nhật Bản đồng ý viện trợ 500 triệu USD để Hàn Quốc xây dựng, tái thiết đất nước. Tokyo cho rằng, mọi khiếu nại về giai đoạn chiếm đóng bán đảo Triều Tiên đều đã được giải quyết ổn thỏa về mặt pháp lý từ Hiệp định năm 1965. Do đó, phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Hàn Quốc có thể mở đường cho các nạn nhân khác và người thân của họ, tổng cộng hơn 220.000 người, đệ đơn kiện chống lại khoảng 300 công ty Nhật Bản bị buộc tội sử dụng lao động cưỡng bức trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên. Các khoản bồi thường có thể lên đến 20 tỷ USD hoặc hơn. Tòa án Hàn Quốc hồi tháng 1 đã phê chuẩn việc tịch biên cổ phần của Nippon Steel tại PNR, liên doanh tái chế giữa Tập đoàn Nhật Bản với nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco, dùng làm tiền bồi thường cho các nguyên đơn. Việc này làm dấy lên nỗi sợ rằng những tài sản khác của Nhật Bản có thể bị tịch thu trong tương lai. "Chính phủ Nhật sẽ không ngồi yên nhìn Hàn Quốc thu giữ tài sản của Tokyo", Hajime Izumi, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, nhận xét.

Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn: Thương mại hay chính trị?

Các thành viên thuộc công đoàn vận chuyển tuyên bố không giao hàng cho thương hiệu Nhật Uniqlo

Việc áp đặt lệnh cấm này dường như cho thấy Tokyo đã có chuyển biến lớn về chiến lược ngoại giao trong bối cảnh thế giới ngày càng lấy cạnh tranh kinh tế là trọng tâm thay vì dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia. Bất chấp việc Seoul dọa sẽ khởi kiện Nhật Bản lên WTO, Tokyo cho rằng quyết định đưa ra không vi phạm quy định của WTO cũng như quy định về thương mại quốc tế. Những bước đi của Nhật Bản được cho chỉ là điểm khởi đầu của những căng thẳng mới giữa hai nước, khi hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Theo các chuyên gia phân tích, căng thẳng thương mại Nhật - Hàn không hoàn toàn chỉ là các lý do kinh tế, bởi lâu nay quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã có khúc mắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại nhóm đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima cũng như một số vấn đề khác.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn: Thương mại hay chính trị?