Anh ôm “trái đắng” trong cuộc chiến ngoại giao với Nga

Hà Kim (Theo RT)| 09/04/2018 15:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Anh đang dần đánh mất lòng tin với các đồng minh trong EU khi không đưa được bằng chứng làm sáng tỏ cáo buộc Nga trong cuộc chiến ngoại giao.

Theo đó, Anh hiện giờ đang phải đối mặt với thách thức mới trong cuộc chiến ngoại giao với Nga khi một số đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là Đức liên tục truy vấn nước này về bằng chứng trong vụ cựu điệp viên hai mang bị đầu độc tại Anh còn Áo và Pháp thì để ngỏ cơ hội đối thoại với Nga.Từ bên đang giành được lợi thế, Anh đang dần đánh mất lòng tin với các đối tác khi bị cho là “mập mờ” trong việc đưa ra các cáo buộc với Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh ARD của Đức ngày 5/4, Điều phối viên về quan hệ với Nga của chính phủ Đức Gernot Erler cho biết, Anh cần đưa ra bằng chứng cho thấy Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3, đặc biệt sau khi Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) cho biết, cơ quan này đến nay vẫn không thể xác định nguồn gốc chất độc thần kinh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal.

Anh ôm “trái đắng” trong cuộc chiến ngoại giao với Nga

Anh hiện giờ đang phải đối mặt với thách thức mới trong cuộc chiến ngoại giao với Nga

Trước đó, vào ngày 3/4, hãng tin Sky News dẫn lời ông Gary Aikenhead - Giám đốc điều hành DSTL cho biết, cơ quan này đến nay vẫn không thể xác định nguồn gốc chất độc thần kinh trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal. Các chuyên gia của DSTL nhận định, hai nạn nhân bị nhiễm Novichok, một chất độc gây nên thương tổn vĩnh viễn, nghiêm trọng hơn bất kỳ loại chất độc thần kinh nào khác, dù sau đó nạn nhân lập tức được điều trị bằng thuốc giải độc.

Ông Erler cho biết, thông tin từ phòng thí nghiệm Porton Down trái ngược với những gì mà Đức từng được nghe từ các chính trị gia Anh và chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên Anh, buộc họ phải cung cấp thêm các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Nga đứng sau vụ việc này.

Có thể thấy, những tuyên bố mâu thuẫn nhau đến từ London khiến Đức hoài nghi về độ tin cậy của các phát ngôn mà Thủ tướng Theresa May và chính phủ của bà đưa ra. Ông Erler nhấn mạnh, các báo cáo về vụ điều tra không được công khai. Hiện giờ Anh đang chịu sức ép về việc làm sáng tỏ các thông tin. Nếu không toàn bộ câu chuyện sẽ không được làm sáng tỏ.

Trong khi đó, giới chức Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn có kế hoạch thăm Nga vào tháng 5 tới bất chấp cuộc khủng khoảng ngoại giao. Theo lịch trình dự kiến, Tổng thống Macron sẽ đi thăm Nga trong hai ngày 24 và 25/5 và dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg. 

Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, dù có hay không việc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên bị đầu độc, Nga vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như vấn đề Syria, Triều Tiên. Vì thế, Pháp muốn duy trì một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và rõ ràng đối với Nga.

Không giống như nhiều nước Châu Âu khác tham gia “đòn đánh hội đồng” Nga trên mặt trận ngoại giao, Áo ngay từ đầu đã thể hiện lập trường trung lập. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, phản ứng của Áo chỉ dừng lại ở việc triệu hồi đại sứ Áo tại Nga về nước để tham vấn.

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Áo ORF, ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cho biết, nếu được yêu cầu, nước này sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây. Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc giữ các kênh đối thoại mở.

Như vậy, việc các nhà điều tra của Anh thừa nhận không tìm ra bằng chứng chứng minh Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc đã khiến Anh và phương Tây rơi vào thế yếu.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các cáo buộc của Anh đối với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viện Skripal bị đầu độc đang nhận được những bằng chứng trái ngược và phản tác dụng.

Ông Dmitry Peskov khẳng định, tình thế đã rất bất lợi cho phía Nga ngay từ lúc ban đầu. Tuy nhiên hiện giờ, đã có nhiều bằng chứng mới chứng tỏ những lời buộc tội từ phía Anh là vô căn cứ và vô lý. Các bằng chứng này do chính chuyên gia phân tích mẫu vật và hiện trường cung cấp. Câu hỏi đặt ra hiện nay là phía Anh đã dựa vào đâu để tạo ra cáo buộc đối với Nga. Anh đang nợ Nga một câu trả lời.

Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) Alexander Shulgin cũng khẳng định, Nga chủ trương có một cuộc điều tra minh bạch và cởi mở đối với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, đồng thời nhấn mạnh, nếu các chuyên gia của Nga bị cản trở tham gia vào cuộc điều tra này, Nga sẽ bác bỏ mọi kết quả đưa ra.

Về phía đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich cho biết, nước Anh đang cố gắng để hạ uy tín của Nga không chỉ ở tổ chức OSCE, mà còn trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác. Tất nhiên, người Anh đã cố gắng để đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự của Hội đồng thường trực. Nhưng điều này đã không được phát triển tiếp. Rất khó để tranh luận đối với các luận chứng mơ hồ.

Theo một số nhà phân tích, Nga có thể tận dụng điểm yếu này của Anh để đảo ngược tình hình, giúp lợi thế nghiêng về phía Nga trong cuộc chiến ngoại giao. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này. Mọi kỳ vọng đều được trông đợi vào những phiên họp và kết luận của Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) vào những ngày sắp tới.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh ôm “trái đắng” trong cuộc chiến ngoại giao với Nga