Những bí ẩn chưa lời giải xung quanh bản khai sinh tượng Nhân sư vĩ đại của Ai Cập

Gia Đức| 24/07/2014 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nhà nghiên cứu cũng công nhận rằng ngay cả dưới cái nhìn khách quan của khoa học hiện đại, tượng Nhân sư ở Ai Cập vẫn chất chứa hàng ngàn câu hỏi chưa và sẽ không có câu trả lời trong những năm tới.

Một trong những băn khoăn gây nhiều tranh cãi, nghe có vẻ đơn giản nhưng vẫn là thách thức đối với những nhà nghiên cứu tài ba: Ai là tác giả của bức tượng và đến nay, bức tượng kỳ vĩ đầy bí ẩn ngày đêm ngạo nghễ phơi mình trên sa mạc, thách thức thời gian và không gian này đã bao tuổi?

Hành trình bất tận

Mở đầu trong bài viết: “Bí ẩn nguồn gốc, tiểu sử của tượng Nhân sư Ai cập” tạp chí khoa học nổi tiếng Science, tiến sĩ Zahi Hawass, nhà khảo cổ học người Ai Cập, tổng thư ký hội đồng cổ vật tối cao nước này khẳng định: “Việc tìm kiếm và lần mò về quá khứ để tìm “bản khai sinh” của bức tượng kỳ vĩ này là một hành trình bất tận. Nói một cách khác, ngay cả khi chúng ta tin theo quan niệm của các nhà nghiên cứu khoa học người Ai Cập rằng bức tượng Nhân sư được các Pha-ra-ông xây dựng song song với việc xây dựng kim tự tháp thì vẫn tồn tại một nghi vấn khác là triều đại Pha-ra-ông nào đã xây dựng nó. Chúng ta có tài liệu và bằng chứng tin cậy về mộ của những người xây dựng kim tự tháp, nhưng lại không mảy may có chút tài liệu, bằng chứng nào về những người xây dựng tượng Nhân sư”.

Những bí ẩn chưa lời giải xung quanh bản khai sinh tượng Nhân sư vĩ đại của Ai Cập

 

Tượng Nhân sư vẫn đứng ngạo nghễ trên sa mạc cùng những bí ẩn như thách thức thời gian, trí tuệ con người

 

Giới khoa học cũng như khảo cổ học đã tốn không ít giấy mực, chất xám để nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc của bức tượng bí ẩn này. Một trong những tài liệu có trọng lượng hơn cả là những hàng chữ được khắc dưới chân bức tượng. Chúng được các nhà khảo cổ học gọi là bản dịch “Dream Stela”. Theo bản dịch này, vua Thutmose IV từng tiếp xúc với bức tượng Nhân sư khi ông còn là một vị hoàng tử trẻ. Khi ấy chỉ có phần đầu của con sư tử hình người nhô lên khỏi mặt cát sa mạc, phần thân và chân của nó đều bị vùi sâu dưới lớp cát. Vị hoàng tử trẻ đã trốn cái nắng như thiêu đốt của sa mạc dưới bóng râm từ cái đầu khổng lồ của bức tượng.

Sau lần tiếp xúc ấy, ông nằm mộng thấy con sư tử trong bức tượng hiện về báo rằng, muốn ông đào nó lên khỏi mặt cát, đổi lại nó sẽ giúp ông lên ngôi vua. Khi thức giấc, vị hoàng tử nhớ lại giấc mơ kỳ quái và ông lệnh cho quân sĩ thực hiện những gì ông đã nghe trong lúc mộng mị. Như vậy, giả thiết cho rằng vua Thutmose IV xây dựng tượng Nhân sư để có thể từ một hoàng tử yếu đuối nghiễm nhiên trở thành ông vua hùng mạnh bị loại bỏ. Nếu việc vị hoàng tử trẻ Thutmose IV khai quật tượng Nhân sư có thật, thì cũng có nghĩa tượng đã hiện hữu từ rất lâu trước triều đại của ông, bắt đầu vào khoảng những năm 1400 trước Công nguyên (TCN).

Theo tiến sĩ Zahi Hawass, tượng Nhân sư vĩ đại trong khu lăng mộ Giza có thể được xây dựng trong suốt thời kỳ Cổ vương quốc (Old Kingdom) ở Ai Cập (2649-2150 TCN). Có khá nhiều tài liệu và bằng chứng về lý thuyết này. Rõ ràng nhất là kiểu dáng của bức tượng. Những đặc trưng của khuôn mặt, những biểu tượng, hoa văn trang trí trên đầu bức tượng gợi nhắc nhiều về Triều đại thứ tư (2613-2494 TCN). Thế nhưng các phát hiện mới chỉ ra rằng: Những vết chạm khắc trên đầu con sư tử đã có từ hàng ngàn năm trước triều đại thứ tư. Câu hỏi được đặt ra, tại sao nghệ thuật điêu khắc vẫn giữ được những nét phong cách chung và giống nhau đến vậy trong hàng ngàn năm ở Ai Cập? Dĩ nhiên, với một phát hiện mới mẻ như thế sẽ lại đặt ra nhiều nghi vấn khác.

Vén màn bí mật!

Một trong những lý thuyết phổ biến khác, bênh vực cho quan điểm tượng Nhân sư vĩ đại “lớn tuổi hơn” Cổ vương quốc, được đưa ra dựa trên những vết xói mòn xuất hiện trên mình tượng. Các nhà khoa học xác định nguyên nhân của những vết tích xói mòn trên là do nước mưa. Tiến sĩ Robert Schoch của đại học Boston nghiên cứu các vết xói mòn và khẳng định những vết tích đó có được là do những trận mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về lượng mưa ở khu vực này, nhà khoa học lại khẳng định, lượng mưa đổ xuống khu vực từ những năm 5000 TCN là rất ít.

Ông khẳng định: “Lượng mưa ít ỏi hằng năm đổ xuống khu vực Giza Plateau từ những năm 5000 TCN, không đủ gây ra những vết xói mòn ở cấp độ cao trên phần đầu và thân bức tượng như vậy. Mưa lớn chỉ diễn ra trước năm 5000 TCN mà thôi”. Ông cũng phát hiện ra rằng sự xói mòn tương tự không xuất hiện trên các di tích khác, nằm trong khu vực lăng mộ Giza có niên đại từ Cổ vương quốc. Tiến sĩ Scoch gợi ý rằng, cát ướt có thể là nguyên nhân gây ra sự xói mòn trên Kim tự tháp. “Chúng ta biết rằng một bộ phận lớn tượng Nhân sư được chôn sâu dưới lớp cát sa mạc trong suốt quá trình tồn tại của nó”, ông khẳng định.

Những nghiên cứu sau này cũng cho thấy: Thực tế, bức tượng lại được khai quật một lần nữa vào năm 1936. Đây là lần thứ ba bức tượng được khai quật, bao gồm cả lần khai quật trước đó của vị hoàng tử trẻ Thutmose. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại không có cách nào để chứng tỏ việc tượng được vùi trong cát ướt cho đến khi nó được đào lên một cách hoàn toàn. Nếu như chấp nhận quan điểm, bức tượng Nhân sư vĩ đại của khu lăng mộ Giza được xây dựng từ thời Vương quốc cổ đại (Old Kingdom), thì vẫn vấp phải nghi ngờ rằng: Chính xác là nó được điêu khắc vào thời gian nào thuộc triều đại ấy. Một vài người tin rằng bức tượng được xây dựng suốt vương triều của Khufu (2589- 2566 TCN) và nó là tác phẩm của người đã xây dựng Kim tự tháp kỳ vĩ. Một số khác lại cho rằng, bức tượng được xây trong triều đại của vua Khafre (khoảng năm 2500 TCN). Ông cũng là vị vua đã xây Kim tự tháp lớn nhất ở Giza.

Mới đây, một trong những phát hiện có tính thuyết phục cao hơn cả là những nghiên cứu của nhà Ai Cập học Vassil Dobrev thuộc viện Khảo cổ Pháp tại Cairo. Ông cho biết mình đã vén màn bí mật cho bức tượng sau 20 năm nghiên cứu. Từ lâu, người ta cho rằng chính vua Khafre thuộc Triều đại thứ 4 (người đã xây một Kim tự tháp nằm sau tượng Nhân sư - PV) đã xây tượng có mặt giống hình ảnh ông. Tuy nhiên, ông Dobrev tin rằng bức tượng vốn được thực hiện cách đây hơn 4.500 năm, xây dựng theo lệnh của vua Djedefre, anh em cùng cha khác mẹ với Khafre và là con của Khufu, vị vua đã xây Kim tự tháp lớn nhất ở Giza.

Theo những nghiên cứu của nhà Ai Cập học này, sau khi vua Khufu qua đời, người dân Ai Cập cổ buồn rầu nên đã xây nhiều Kim tự tháp trong mấy thập niên liền. Dobrev lập luận rằng vua Djedefre, người kế vị Khufu, đã xây tượng Nhân sư có mặt giống vua cha và đồng hóa vua cha với thần Mặt trời Ra, nhằm cổ động thần dân luôn kính trọng triều đại vua cha. Dobrev nói đây là lần đầu tiên ông đưa ra kết luận: Tượng Nhân sư được vua Djedefre xây dựng sau khi vua cha Khufu qua đời.

Tuy nhiên, kết quả điều tra này dường như chưa đủ mạnh để thuyết phục giới khoa học. Lập luận của Dobrev làm nhẹ đi tính thiêng liêng của bức tượng và cũng đi ngược với lời giải thích trong bút tích của hai vị vua được khắc dưới chân tượng rằng: “Mục đích làm tượng Sphinx là để xua đuổi tất cả những điều bạo ác, tội lỗi khỏi khu nghĩa địa quanh Kim tự tháp”, chứ không đơn thuần như việc để tưởng nhớ một bậc minh quân. Cho đến nay, các nhà khoa học nói chung và khảo cổ học nói riêng vẫn chưa thể có câu trả lời xác đáng cũng như chính xác về tuổi của bức tượng, cho dù đã áp dụng những thành tựu khoa học hiện đại nhất.

Sản phẩm của người ngoài hành tinh

Tiến sĩ Zahi Hawass cho biết: “Nó được xây dựng, điêu khắc từ đá, cácbon hết sức kỳ bí. Phương pháp hiệu quả nhất trong việc tiếp cận, nghiên cứu tượng chỉ có thể giới hạn trong quan sát và suy luận. Quan sát và suy luận cho thấy rằng, không một ai có thể điêu khắc một bức tượng khổng lồ đến vậy với cùng một kiểu dáng, ý tưởng, cấu trúc như cấu trúc trong khu lăng mộ Giza trong suốt thời gian nó tồn tại. Những câu hỏi ấy vẫn chưa tìm được câu trả lời nào thuyết phục hơn việc cho rằng đó là sản phẩm của một bộ tộc người ngoài hành tinh đã từng tồn tại ở mảnh đất này từ trước năm 5000 TCN, mặc dù lý thuyết này nghe viển vông và hoang tưởng”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bí ẩn chưa lời giải xung quanh bản khai sinh tượng Nhân sư vĩ đại của Ai Cập