Nga không kích Syria: Đổ thêm dầu vào lửa?

TTK| 03/10/2015 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giới chuyên gia cho rằng việc Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria đã khiến cuộc chiến đang ở năm thứ 5 với sự tham gia của nhiều nhân tố với những toan tính và lợi ích khác nhau này càng trở nên phức tạp.

Shashank Joshi, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) tại London, lấy dẫn chứng cuộc chiến tranh Bosnia những năm 90 của thế kỷ trước và nhận định: "Chúng ta từng chứng kiến những cuộc xung đột cực kỳ phức tạp và đa diện. Tuy nhiên, nguy cơ trong cuộc chiến này (cuộc chiến ở Syria) cao hơn rất nhiều. Nếu Iran để mất Syria, họ sẽ mất đồng minh lớn nhất ở Trung Đông. Nếu Nga mất Syria, đó sẽ là thiệt hại lớn về địa chính trị trong bối cảnh Moskva đang chịu sự cô lập nghiêm trọng (từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ)".

Nga không kích Syria: Đổ thêm dầu vào lửa?

Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích IS tại Syria. Ảnh: Telegraph.

Tuy Nga tuyên bố chiến dịch không kích là nhằm tiêu diệt lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS), song có thông tin cho rằng các chiến dịch mở màn trong ngày 30/9 và 1/10 của Moskva đã đánh trúng nhiều căn cứ của quân nổi dậy, làm dấy lên lo ngại rằng ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch này là củng cố sức mạnh cho Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh lâu năm của Nga. 

Hiện tại, Nga chỉ là một trong số nhiều quốc gia đang nhúng tay vào cuộc chiến ở Syria. Tất cả đều tuyên bố mục tiêu là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, song thực chất lại lấy đây làm cái cớ để theo đuổi các toan tính của riêng mình. Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các cuộc không kích dưới vỏ bọc là tấn công IS, song lại chủ yếu nhằm vào lực lượng người Kurd. Saudi Arabia và Qatar coi đây là một cuộc chiến mượn tay kẻ khác để chống lại kẻ thù khu vực là Iran. Ông Joshi nói thêm: "Bức tranh này còn có sự hiện diện của Mỹ, một cường quốc luôn phải đối ông Assad, song càng ngày càng tỏ rõ thái độ không muốn bị lún quá sâu vào cuộc chiến ở Syria và phải đối mặt với những rủi ro tương tự". 

Sự hiện diện của các lực lượng bộ binh hỗn tạp, với sự hậu thuẫn của hàng loạt "mạnh thường quân" khác nhau, khiến đụng độ hay va chạm giữa các cường quốc bên ngoài khi tham gia cuộc chiến này là điều không thể tránh khỏi. Columb Strack - nhà nghiên cứu Trung Đông cấp cao thuộc Tập đoàn Nghiên cứu IHS, nói: "Các cuộc không kích của Nga sẽ càng 'đổ thêm dầu vào lửa' bởi các nhóm nổi dậy đang hoạt động theo kiểu rất chồng chéo... khó có thể bắn vào nhóm này mà không trúng sang nhóm kia".

Lợi ích khác nhau cũng dẫn tới các cách tiếp cận khác nhau. Ông Joshi nói: "Nga tập trung vào vùng phía Tây Bắc, bảo vệ căn cứ hải quân Tartus và các vùng xung quanh thành phố Latakia (thành trì của chính quyền Syria), trong khi Iran bảo vệ Syria vì đây là nơi nối liền Iran với phong trào Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm của nước Cộng hòa Hồi giáo tại Liban".

Trong khi đó, nhiều người lo ngại những gì Nga làm thậm chí còn có thể khiến IS trở nên mạnh hơn - ngược lại mục tiêu mà Moskva tuyên bố. Jean-Pierre Filiu, tác giả cuốn "Từ Nhà nước Bí ẩn tới Nhà nước Hồi giáo", cho rằng "sự can thiệp trực tiếp của quân đội Nga bên cạnh chính quyền độc tài Damascus sẽ chỉ càng củng cố hơn quyết tâm bành trướng của IS và khiến chúng điên cuồng chiêu mộ các tay súng thánh chiến". 

Aron Lund - người phụ trang blog "Syria chìm trong khủng hoảng", do Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế làm chủ quản, cho rằng giới phân tích đang tìm hiểu xem liệu Nga có đủ nguồn lực để "cứu" chế độ Assad hay không. Tuy nhiên, chiến dịch không kích mà Nga tiến hành "có thể hỗ trợ ông Assad trên một số mặt trận nhất định, và giúp trấn an những người từng ủng hộ nhà lãnh đạo này song lại quay lưng với ông khi quân đội thất bại và kinh tế suy giảm". Điều này có thể khiến giải pháp cho cuộc xung đột còn ở xa tầm với hơn nữa, đẩy cuộc đối đầu giữa chính quyền Damascus và quân nổi dậy tới chỗ bế tắc và đóp sập khả năng phương Tây có lý do để can dự cương quyết hơn. 

Ông Joshi cho rằng sự hiện diện của các máy bay Nga trên không phận Syria "đã loại bỏ khả năng thiết lập một vùng cấm bay khỏi bàn đàm phán, bởi nguy cơ mâu thuẫn với Nga là cực kỳ cao. Ông nhắc tới một thực tế không hề ngạc nhiên: lo ngại về nguy cơ giết nhầm các cố vấn quân sự Nga làm việc cùng quân đội Assad là điều khiến phương Tây hết sức đau đầu khi cân nhắc xử lý cuộc khủng hoảng Syria.

Nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu dài hạn và quan trọng của Nga là giành một chỗ trên bàn đàm phán về tương lai của Syria, một cơ hội để Moskva khẳng định tầm quan trọng về địa vị chính trị của mình ở trong nước và giúp Nga trở thành một đối tác không thể thiếu của châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra khiến người ta không khỏi lo ngại cuộc chiến này khó có hồi kết. Ông Lund nói: "Tại thời điểm này, khó có thể nói Nga hành động khôn ngoan hay ngu xuẩn. Chúng ta cũng không biết chắc chiến thuật của họ là nhằm vào các khu vực và mục tiêu chiến lược cụ thể để làm bẽ mặt Mỹ và buộc Mỹ phải có phản ứng, hay đơn giản chỉ là các cuộc không kích ồ ạt trên diện rộng". 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga không kích Syria: Đổ thêm dầu vào lửa?