Khủng bố ở Pháp: Nỗi sợ hãi bao trùm Paris

Hà Kim| 14/11/2015 20:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những từ như: “Kinh hoàng”, “Thảm sát”, “Nổ súng”, “Sợ hãi”… hôm nay dày đặc trên trang nhất các tờ báo của Pháp, cho thấy Pháp thực sự bị sốc trước vụ tấn công đêm 13/11.

Vào tháng Giêng, Pháp và toàn thế giới đã không khỏi bàng hoàng trước vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Herbdo và sau đó là một vài vụ tấn công nhỏ lẻ khác. Người dân Pháp chưa kịp lấy lại tinh thần thì đêm 13/11, vụ tấn công liên hoàn khiến nỗi sợ hãi một lần nữa bao trùm thủ đô Paris.

Khủng bố ở Pháp: Nỗi sợ hãi bao trùm Paris

Cả thành phố trở nên hỗn loạn

“Tình hình rất căng thẳng”

Phó Tổng Biên tập tờ Radio của Pháp sáng sớm 14/11 cho biết, “Tình hình ở Paris hiện nay rất căng thẳng”.

“Mọi người không ai muốn ra ngoài. Các dịch vụ vui chơi giải trí đều ngừng hoạt động”, ông cho biết.

Một số người đi ra đường vào buổi sáng, nhưng ít hơn hẳn so với bình thường. “Thông thường, vào thời điểm này tại Paris, người và xe cộ tấp nập. Nhưng sáng nay, tôi xuống phố để mua một ổ bánh mỳ, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa”, Geraldine Schwarz, một nhà báo của tờ Le Monde cho biết.

“Mười phút kinh hoàng” – nỗi sợ hãi bao trùm Paris

Như những buổi tối thứ 6 khác, người dân Paris và khách du lịch ra đường, ăn tối và uống cà phê. Nhưng, vụ nổ súng liên hoàn đã khiến Thủ đô Paris phải đổ máu.

Tại phòng hòa nhạc Bataclan, phía đông trung tâm Paris, những kẻ tấn công xả súng liên tục khi những tay chơi nhạc Rock Mỹ gần kết thúc chương trình. “Mọi người hét lên. Những tiếng nổ…kéo dài trong khoảng 10 phút…10 phút kinh hoàng. Ai cũng ôm đầu, cố gắng tự bảo vệ mình”, Julien Pearce, một nhà báo có mặt tại hiện trường cho biết.

Cảnh sát trang bị vũ khí chiến thuật và nhân viên cấp cứu ngay lập tức có mặt tại hiện trường.

Khủng bố ở Pháp: Nỗi sợ hãi bao trùm Paris

Nạn nhân nằm la liệt bên ngoài một nhà hàng tại trung tâm thủ đô Paris

Làm việc tại một quán bar gần đó Xavier Sarraute cho biết, ban đầu anh nghĩ rằng, những tiếng nổ là do chiếc xe hơi nào đó bị nổ lốp, nhưng ngay sau đó, anh và các đồng nghiệp nhanh chóng nhận ra, đó là tiếng súng nổ.

Ngay lập tức, họ đóng cửa quán bar để bảo vệ những người có mặt tại đó. “Tất cả đều thực sự hoảng sợ”, Sarraute nói.

Tại nhà hàng Campuchia, Le Petit Cambodge thuộc khu phố Canal St. Martin, Charlotte Brehaut và một người bạn đang ăn tối, bỗng những tiếng súng khô khốc vang lên.

“Tất cả đều bị bất ngờ. Chúng tôi nghe tiếng nổ lớn, kính vỡ…Chúng tôi và những thực khách khác vội nằm xuống nền nhà. Một người phụ nữ bị bắn vào ngực, tôi đã nắm lấy tay bà ấy, nhưng máu chảy lênh láng, bà ấy đã chết”, Charlotte nói trong sợ hãi.

Một bác sĩ có mặt tại quán Le Petit Cambodge cho biết, “Chúng tôi nghe nhạc trong lúc ăn tối. Ban đầu, chúng tôi cứ ngỡ tiếng pháo nổ. Nhưng chỉ trong ít phút, xung quanh tôi đã toàn là máu, máu ở khắp nơi”.

Tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, nơi đang diễn ra trận giao hữu giữa đội tuyển Pháp và Đức, những tiếng nổ phát ra bên ngoài sân vận động trong suốt trận đấu. Bình luận viên Ryu Voelkel cho rằng, đó là tiếng pháo nổ và điều này hoàn toàn bình thường.

Nhưng khi trận đấu kết thúc, sân vân động trở nên hỗn loạn. Nhiều người bị mắc kẹt và phải kêu gọi trợ giúp trực tuyến.

Pháp sẽ đánh bại những kẻ khủng bố

Văn phòng Tổng thống Pháp, Hollande ngay sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép chính quyền hạn chế các hoạt động của người dân. Trường học, bảo tàng, thư viện, hồ bơi, chợ thực phẩm và công trình công cộng khác sẽ đóng cửa vào thứ bảy (14/11).

Tổng thống Pháp cũng cho phép lực lượng an ninh bắt giữ bất cứ đối tượng nào được cho là nghi ngờ và có khả năng gây nguy hiểm. Việc kiểm soát biên giới cũng được tăng cường.

Phát biểu trước công chúng đêm thứ 6 (13/11), Tổng thống Hollande vẫn lạc quan tuyên bố, Pháp sẽ nhanh chóng vượt qua những tổn thương và mất mát từ vụ tấn công. “Sợ hãi. Nước Pháp có sợ hãi. Nhưng phải đối mặt với sợ hãi. Pháp biết phải làm thế nào để bảo vệ mình, Pháp sẽ đánh bại những kẻ khủng bố”, ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng bố ở Pháp: Nỗi sợ hãi bao trùm Paris