Nỗi ám ảnh lợn rừng “đổ bộ” các thị trấn ở Nhật Bản

Theo Dân trí| 11/03/2018 12:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên khắp nước Nhật, lợn rừng đang “đổ bộ” vào những khu vực ít người sinh sống do dân số ngày càng già hóa hoặc chuyển đi nơi khác. Chúng tràn vào những cánh đồng lúa không được cấy hái hoặc chiếm luôn những căn nhà bỏ hoang.

Một con lợn rừng xông vào ký túc xá Đại học Kyoto năm 2017 (Ảnh: Getty)

Một con lợn rừng xông vào ký túc xá Đại học Kyoto năm 2017 (Ảnh: Getty)

“30 năm trước, quạ là vấn đề lớn nhất ở đây. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang phải đối mặt với những con lợn rừng này, chúng tôi không có đủ người để khiến chúng sợ hãi và đuổi chúng đi”, Hideo Numata, một nông dân tại Hiraizumi - nơi có khoảng 7.803 dân, cho biết.

Dù đã 67 tuổi, nhưng Numata vẫn được xem là người trẻ tuổi tại đây. Các bạn của ông, Etsuro Sugawa và Shoichi Chiba, năm nay đã 69 và 70 tuổi.

Những khu vực ở phía nam Nhật Bản đều phải chịu chung vấn nạn lợn rừng từ một vài năm gần đây. Các tài liệu đều đã ghi chép về sự xuất hiện của loài động vật này ở các nhà ga, bãi đỗ xe hay xung quanh ký túc xá trường học. Thậm chí chúng còn được nhìn thấy xuống biển để bơi ra các đảo.

Ngay trong tháng này, một phụ nữ ngoài 70 tuổi đã bị một con lợn rừng nặng 79 kg tấn công trên đảo Shikoku khi bà mở cửa nhà. Hồi tháng 10 năm ngoái, một con lợn khác cũng đã lao vào một trung tâm mua sắm trên đảo, cắn các nhân viên và chạy từ cửa hàng này sang cửa hàng khác trước khi bị bắt. Tại Kyoto, ít nhất 10 con lợn rừng đã bị phát hiện đi lại trong khu vực đô thị hồi năm ngoái. Hai con đi vào trường học hồi tháng 12 khiến nhà trường phải sơ tán học sinh.

Hiện phía bắc Nhật Bản cũng đang bị lợn rừng hoành hành dù những khu vực này trước đây vẫn bị xem là quá lạnh và nhiều tuyết khiến chúng khó sống hơn. Tại tỉnh Iwate, chỉ có 2 con lợn rừng bị bắt năm 2011. Tuy nhiên vào năm ngoái, đã có tới 94 con bị bắt.

Các chuyên gia nhận định có hai nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của lợn rừng tại Nhật Bản: một là sự sụt giảm dân số và hai là biến đổi khí hậu.

Nhiều khu vực tại Nhật Bản đang phải đau đầu giải quyết bài toán dân số ngày càng già hóa với số lượng dân cư ngày càng ít đi. Ước tính Nhật Bản sẽ có 40% dân số hơn 65 tuổi vào năm 2050. Người dân ở phía nam cũng đang có xu hướng chuyển tới các thành phố lớn để sinh sống.

Những người nông dân Nhật Bản dần qua đời và không còn ai trông nom đất đai của họ. Lấy ví dụ trường hợp của Etsuro Sugawa và Shoichi Chiba. Các con trai của họ đều đi làm trên thành phố và không hứng thú với công việc đồng áng. Theo đó, lợn rừng bắt đầu hoành hành “như dịch bệnh” từ năm 2015.

“Chúng tôi từng nghe tin đồn vài năm trước đây rằng lợn rừng đang ở rất gần khu vực này. Và không lâu sau, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy chúng”, Sugawa cho biết.

Dân số giảm - lợn rừng tăng

Một con lợn rừng đứng cạnh thiết bị đo phóng xạ hạt nhân ở thị trấn Futaba - nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị rò rỉ sau trận động đất năm 2011 (Ảnh: EPA)

Một con lợn rừng đứng cạnh thiết bị đo phóng xạ hạt nhân ở thị trấn Futaba - nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị rò rỉ sau trận động đất năm 2011 (Ảnh: EPA)

Khu vực phía bắc Nhật Bản đang chứng kiến sự sụt giảm lớn về dân số. Người dân buộc phải rời đi sau thảm họa động đất, sóng thần khiến nhà máy hạt nhân bị rò rỉ năm 2011 tại Fukushima. Nhiều khu vực bị nhiễm phóng xạ không còn là nơi an toàn cho người dân, tuy nhiên đối với loài lợn rừng, đó lại là điều kiện sống lý tưởng.

Tại Hiraizumi, thiệt hại do lợn rừng gây ra đã tăng gấp 6 lần từ năm 2015-2016. Tháng trước, những người nông dân gần Shizukuishi đã bắt được một con lợn đực nặng tới hơn 120 kg. Khi lợn rừng xâm nhập vào các “thị trấn ma”, nơi không có người ở, xung quanh nhà máy Fukushima, nhiều người lo ngại rằng loài vật có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ.

“Bởi vì dân số giảm, nên ngày càng nhiều đồng ruộng bỏ hoang. Đây là nơi lý tưởng cho lợn rừng ẩn nấp và tìm thức ăn”, Koichi Kaji, giáo sư về quản lý động vật hoang dã tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, cho biết.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân lắp hàng rào điện, tuy nhiên rất ít người làm được công việc này. Người dân cũng được khuyến khích xin các giấy phép cần thiết để bẫy và giết lợn rừng. Tuy nhiên, giấy tờ thủ tục cũng không phải là vấn đề đơn giản đối với họ.

Để bắt lợn rừng, người dân cần có giấy phép sử dụng súng. Đây là một quy trình rất mất thời gian và mệt mỏi. Ngoài ra, họ cũng cần giấy phép đặc biệt để có thể đặt bẫy. Để lấy được giấy phép này, họ phải vượt qua các bài kiểm tra viết và thi thực hành. Chỉ sau khi có đủ các giấy tờ cần thiết, người nông dân mới có thể bắt lợn rừng và nổ súng giết chúng.

“Thiếu nhân lực cũng là một vấn đề thực sự. Chúng tôi cần người nông dân bảo vệ đất đai của họ và xua đuổi lợn rừng. Nhưng điều này rất khó vì phần lớn đều là người già”, Rise Suzuki, quan chức phụ trách chiến dịch chống lợn rừng ở thị trấn Hiraizumi, cho biết.

Cả các nhà chức trách và những người nông dân ở Hiraizumi đều đang “lên dây cót” cho mùa xuân khi những con lợn con ra đời và lợn mẹ đói thức ăn.

“Những người dân địa phương cần tăng cường và đóng góp sức mình vào việc bảo vệ cánh đồng và ngăn không cho lợn tới đây. Những người nông dân hiện đã nhận thức được những thách thức mà họ phải đối mặt. Các vùng nông nghiệp của chúng ta đang thu hẹp dần”, nông dân Sugawa chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ám ảnh lợn rừng “đổ bộ” các thị trấn ở Nhật Bản