Tháo gỡ khó khăn, bất cập về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC vừa ban hành Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thống nhất hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp.

Thông tư liên tịch (TTLT) này hướng dẫn áp dụng một số quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự; xử lý kết quả tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp về dân sự của Luật Tương trợ tư pháp. TTLT này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.

Lễ ký kết Thông tư liên tịch


Việc áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tương trợ tư pháp được thực hiện khi có đầy đủ các điều kiện: Có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này; Việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế; Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và TANDTC xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho nước đã yêu cầu biết.


Ngôn ngữ sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự hoặc yêu cầu Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự mà Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì ngôn ngữ thực hiện tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Hồ sơ ủy thác tư pháp và bản dịch sang tiếng Việt phải được chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp Tòa án lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ tương trợ tư pháp mà nước được yêu cầu tương trợ tư pháp chấp nhận, thì Toà án gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Trường hợp Tòa án lập hồ sơ ủy thác tư pháp yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thì ngôn ngữ tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Trong trường hợp này, hồ sơ ủy thác tư pháp không phải hợp pháp hoá lãnh sự. Tòa án có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới Bộ Tư pháp để được cung cấp thông tin liên quan đến các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có yêu cầu tương trợ tư pháp phải nộp phí và chi phí tương trợ tư pháp. Mức phí và chi phí, đối tượng nộp, cơ quan có thẩm quyền thu; việc quản lý và sử dụng các khoản phí và chi phí được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.


TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự thì TAND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 TTLT này, gửi tới TAND cấp tỉnh để thực hiện theo thủ tục chung.


TAND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án theo lãnh thổ được xác định: Tòa án có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp là Tòa án nơi người được tống đạt là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở chính; Tòa án nơi người được triệu tập làm chứng, người giám định cư trú, làm việc; Tòa án nơi thực hiện việc thu thập, cung cấp chứng cứ; Tòa án thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự là Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Cao Văn Tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn, bất cập về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự