Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Trần Minh Giang| 05/04/2016 20:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình cải cách tư pháp, TAND, TAQS các cấp đã nỗ lực vượt bậc, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các Đề án về cải cách tư pháp và chủ động mở rộng hội nhập quốc tế về tư pháp.

Do vậy, vị thế và chất lượng hoạt động của Thẩm phán, của các Tòa án được nâng cao, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong giai đoạn mới, góp phần củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội phê chuẩn 15 vị Thẩm phán TANDTC

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp đất nước, một chức vụ, chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán TANDTC được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Ngày 31/7/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định bổ nhiệm cho 15 Thẩm phán TANDTC.

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2015/NĐ-CP quy định Thẩm phán TANDTC được kéo dài thời gian làm việc đến 65 tuổi (đối với nam), 60 tuổi (đối với nữ). Việc kéo dài tuổi làm việc sẽ giúp cho Thẩm phán TANDTC - là những chuyên gia hàng đầu, có điều kiện phát huy những kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm xét xử để làm tốt nhiệm vụ giám đốc việc xét xử; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ công lý, củng cố pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tín nhiệm và biểu quyết thông qua nghị quyết với số phiếu cao. Đây là một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tín nhiệm, sự đòi hỏi trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân ta đối với các đồng chí trong Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Các vị Thẩm phán TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vị trí, vai trò quan trọng và vị thế hết sức thiêng liêng trước sứ mệnh cầm cân nảy mực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng của xã hội.

Thành lập Học viện Tòa án - Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của TANDTC

Triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch”, TANDTC đã xây dựng Đề án thành lập Học viện Tòa án. Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/2015/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án.  Ngày 28/3/2016, TANDTC đã tổ chức Lễ ra mắt Học viện Tòa án và Khai mạc kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán năm 2016; Công bố kế hoạch đào tạo Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp và đào tạo sau đại học. Đồng thời, Học viện Tòa án đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, triển khai các thủ tục cần thiết để chiêu sinh khóa Đại học Tòa án đầu tiên trong năm 2016. 

Công bố Quyết định thành lập Học viện Tòa án và khai mạc kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán năm 2016

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình vui mừng đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Học viện Tòa án

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Đồng chí Trương Hòa Bình trao Quyết định thành lập Học viện Tòa án cho Ban Giám đốc Học viện 

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân, việc thành lập Học viện Tòa án là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong thực hiện cải cách tư pháp của TAND. Học viện là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TANDTC, có nhiệm vụ đào tạo nghề xét xử; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo quản lý, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên, Hội thẩm nhân dân và công chức Tòa án; đào tạo đại học và trên đại học, nhằm tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị của TAND và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Đổi mới công tác Hành chính - Tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 49-NQ/TW đề ra là: Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án; Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, TAND, TAQS các cấp đã tích cực đổi mới công tác hành chính- tư pháp, nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án và tiến tới xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2020.

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Hình ảnh kết nối các điểm cầu: TP Hồ Chí Minh; TP Hà Nội, tỉnh Hậu Giang và Hà Tĩnh

Ngày 18/3/2016, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về đổi mới công tác hành chính - tư pháp (tại 66 điểm cầu trên cả nước, điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), nhằm tổng kết, đánh giá, xây dựng, hoàn thiện mô hình hành chính- tư pháp chuẩn mực, nhân rộng trong TAND các cấp; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ người dân được tốt nhất; đồng thời hướng đến việc xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa khẳng định, việc đổi mới cải cách hành chính - tư pháp được thực hiện từ TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, cấp huyện đến TAQS các cấp đã nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của Tòa án đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu đến Tòa án làm việc hoặc liên hệ công tác chỉ liên hệ với Tổ Hành chính tư pháp (một cửa), không phải đi lại nhiều lần, tạo điều kiện tốt nhất cho đương sự khi có yêu cầu giải quyết công việc tại Tòa án.

Triển khai thực hiện Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ

 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”;  Chánh án TANDTC có nhiệm vụ: “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Ngày 29/10/2015, TANDTC đã công bố Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.  Vừa qua, TANDTC đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia pháp lý, các nhà hoạt động thực tiễn, góp ý đối với một số bản án, quyết định giám đốc thẩm bước đầu được lựa chọn để giới thiệu làm án lệ. Ngày 4/4/2016, Hội đồng Tư vấn án lệ đã xem xét, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn giới thiệu làm án lệ, chọn ra những bản án, quyết định giám đốc thẩm đủ tiêu chí để trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Ngày 6/4/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, lựa chọn, thông qua một số bản án, quyết định giám đốc thẩm trình Chánh án TANDTC ra Quyết định công bố án lệ. Trong tháng 4/2016, TANDTC sẽ xuất bản Tập Án lệ đầu tiên áp dụng trong toàn quốc.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng: Án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án; qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với mỗi công dân và cộng đồng xã hội.

Thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên

Triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đã khẩn trương sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và đã hoàn thành việc xây dựng 4 cấp Tòa án, gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đồng thời, Luật Tổ chức TAND quy định ở TAND cấp cao và TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. BLHS và BLTTHS (sửa đổi) có nhiều đề xuất mới liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật; các trình tự, thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng đối với người chưa thành niên… Đây cũng là cơ sở để TANDTC triển khai xây dựng Đề án thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. 

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP. HCM

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao quyết định công bố thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên cho tập thể lãnh đạo TAND TP Hồ Chí Minh

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Ngày 21/1/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh và tương đương. Ngày 4/4/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, TANDTC đã tổ chức Công bố Quyết định thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, đây là Tòa chuyên trách mới nằm trong cơ cấu tổ chức của TAND TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Chánh tòa, Thẩm phán và các cán bộ của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: Sự ra đời của Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên là cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam và là thành tựu sau một hành trình dài... Đây thực sự là một thành tựu tuyệt vời, tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của Việt Nam về việc thực hiện quyền trẻ em trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4

Ngày 31/3/ và 1/4/2016, Hội nghị Chánh án TATC các nước ASEAN do Tòa án Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp. Đây là Hội nghị thường niên, được Tòa án các nước thành viên ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức, là diễn đàn để Tòa án các nước thảo luận trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất các mục tiêu ưu tiên mà các nước quan tâm; đóng góp chung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN.

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Toàn cảnh Hội nghị

Với cương vị Chủ tịch, nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị, TANDTC Việt  Nam đề xuất  6 Chủ đề gồm: Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN; Hội nhập và hài hòa hóa tư pháp các nước ASEAN; Xây dựng Cổng Thông tin điện tử ASEAN; Đào tạo tư pháp; Quản lý vụ án và công nghệ Tòa án; - Tranh chấp Hôn nhân, gia đình xuyên biên giới. Với 6 Chủ đề trên đã được bàn thảo dân chủ, thẳng thắn tại Hội nghị và được Chánh án các nước ASEAN đồng thuận, nhất trí cao và đã cùng nhau ký Tuyên bố chung TP Hồ Chí Minh; đồng thời, thống nhất đổi tên gọi Hội nghị thành Hội đồng Chánh án ASEAN, thành lập Nhóm nghiên cứu để triển khai các công việc của Hội đồng, trình Tổng thư ký ASEAN công nhận Hội đồng và thực hiện các nhiệm vụ theo 6 chủ đề đã được thông qua.

Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân

Chánh án Tòa án tối cao các nước ASEAN 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC khẳng định: Việc TANDTC tổ chức thành công Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ tư, đã góp phần làm phong phú thêm các lĩnh vực hợp tác, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tạo sức mạnh nội khối, góp phần thiết thực đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế trong phạm vi ASEAN. Đồng thời, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư từ các Cộng đồng kinh tế và các quốc gia khác trên toàn thế giới đối với cộng đồng kinh tế ASEAN.

***  

Tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp, công việc của các Tòa án trong năm 2016 và những năm tiếp theo là rất lớn, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân ngày càng cao. TAND, TAQS các cấp đang tích cực thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết, Chỉ thị của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC về triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm của Tòa án năm 2016; đồng thời đẩy mạnh thực hiện 5 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử và các mặt công tác khác của Tòa án. Lãnh đạo, Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp  quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu cải cách tư pháp nổi bật của Tòa án nhân dân