Ngày 17/11, thông tin từ Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Văn Thanh cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân làng Thanh Niên.
Dự án làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, mỗi hộ gia đình tham gia đều đã được giao đất ở, đất sản xuất theo. Về nước sinh hoạt, thì cứ 3 hộ dân đã được cấp một giếng + bể chứa nước 10m3.
Người dân làng Thanh Niên phản ánh sự bất cập, khó khăn với PV
Tuy nhiên, thời gian đầu, tất cả các giếng khoan, khi bàn giao cho dân đều có nước, sau một thời gian, giếng cạn, Tỉnh Đoàn dù rất muốn hỗ trợ người dân nhưng không có kinh phí (không có trong danh mục của dự án), về nước sản xuất cũng vậy, người dân muốn có nước phải tự đầu tư sửa chữa. Đối với vấn đề sản xuất, thời gian đầu, Ban Quản lý Dự án đã đứng ra tín chấp, bảo lãnh cho các hộ vay vốn sản xuất, nhưng sau đó đã quen thì dân tự lo.
Cũng theo Phó Bí thư Thanh, kể từ ngày thành lập thôn Thanh Niên, bàn giao về cho xã quản lý, các hộ dân của thôn này đã hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước như mọi người dân sở tại. Trong đó có các chế độ về BHYT, chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh.
Nhiều "ngôi nhà ma" do dân bỏ đi vì chính sách không đồng bộ
Riêng vấn đề bàn giao đất để từng bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ, trên cơ sở đề nghị của huyện, các ngành chức năng, UBND tỉnh đã có văn bản về việc thu hồi đất dự án làng Thanh niên lập nghiệp tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân.
Theo đó, giao Tỉnh Đoàn phối hợp với xã và huyện, kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể diện tích, vị trí đất… cần bàn giao diện tích đất về địa phương quản lý làm cơ sở giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và diện tích cần giữ lại để Tổng đội Thanh niên xung phong làm kinh tế.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó, ngày 7/9/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã có công văn, thống nhất chủ trương bàn giao kết quả làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, giao cho Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết vấn đề này.
Những thế hệ tiếp theo của dân làng Thanh Niên mong có làn gió mới, tươi vui
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, hy vọng, nguyện vọng muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân thôn Thanh Niên, sẽ sớm được đáp ứng. Qua đó, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống trên vùng quê mới.
Trước đó, Báo Công lý có bài: “Lãnh lẽo làng Thanh Niên” phản ánh: Dự án “Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng” nằm trong 18 dự án làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai thực hiện từ năm 2007 đến 2013.
Văn bản của Trung ương Đoàn tháo gỡ vướng mắc tại Làng Thanh Niên
Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng với diện tích trên 600ha nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Xuân Hòa được đầu tư với số vốn hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phụ trách và quản lý.
Gần 150 hộ dân tại đây thuộc diện vùng 30A (chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ), vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (vùng 135) thế nhưng, nhiều năm qua người dân vẫn không được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ, trẻ em dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT, đất ở nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.
Theo tìm hiểu của PV, làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được chia làm 4 cụm dân cư. Mỗi thanh niên lên làng lập nghiệp được 400 m² đất ở và 3,2 ha đất canh tác cùng với hỗ trợ 2-3 gia đình 1 giếng khoan, 1 bể nước để phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng, do đất canh tác cằn cỗi không trồng được lúa và hoa màu nên người dân ở đây chỉ loay hoay trông chờ vào vài ha mía, sắn. Do không có nước phục vụ tưới tiêu nên sau khi trồng xong vụ sắn, mía thì nhiều gia đình lại khóa cửa về quê, đi nơi khác tìm công ăn việc làm cuối năm mới về nhà một lần, hoặc đến mùa thu hoạch mía, sắn họ mới trở về. Hàng chục ngôi nhà không có người ở, khóa cửa ngoài gỉ sét, cây dại mọc um tùm lút cả nhà. Tại Cụm dân cư số 2, theo nhiều người dân cho biết thì toàn bộ trong cụm có 54 hộ dân nhưng hiện tại chỉ có khoảng 24-25 hộ ở và số hộ ở cố định chỉ 17-18 hộ còn lại khóa cửa để nhà không, thành những ngôi nhà hoang. 10 năm kể từ khi đến làng lập nghiệp, cuộc sống của người dân không thay đổi là mấy, vẫn những căn nhà nhỏ được xây dựng với diện tích khoảng 30m² được lợp bằng brô xi măng và vài ngôi nhà lợp bằng ngói từ lúc lên làng đến bây giờ.
Trưởng thôn Thanh Niên Nguyễn Gia Cường chia sẻ: "Toàn thôn có 122 hộ, nhân khẩu tăng từ 320 lên 379 người. Hầu hết các dự án tại đây đều nửa vời, không sát thực tế. Cụ thể như việc cấp đất ở 400m2, đất canh tác hơn 3 ha đều chỉ giao trên danh sách thống kê chứ không cấp sổ cho tận hộ. Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, 2 đứa con mà tính thực tế chưa có một tấc đất nào cắm dùi. Mọi thứ cứ như đang ở thuê, rất khó cho dân an cư, vay vốn phát triển kinh tế lâu dài. Quá nhiều bất cập nên các hộ dân đều bị mòn ý chí quyết tâm bám trụ nơi này, họ chuyển đi miền Nam hay ra Bắc làm công nhân".
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn cho biết: "Ngày 5/9/2017 Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng ký quyết định 3309/QĐ-UBND về việc thành lập thôn Thanh Niên thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân trên cơ sở cụm dân cư Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Thôn Thanh Niên có diện tích 600ha, 124 hộ, 320 nhân khẩu. Kể từ ngày có quyết định, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để an cư, yên tâm canh tác và có cái thế chấp vay vốn ngân hàng."