Hiện nay các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh trên địa bàn Thanh Hóa đang thực hiện tự chủ một phần hoặc toàn bộ. Thế nhưng do nhiều bất cập, vướng mắc, thiếu hướng dẫn và lúng túng trong quá trình thực hiện dẫn tới các bệnh viện không phát huy được hiệu quả hoặc mắc nhiều sai phạm. Cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học để gỡ rối khi các bệnh viện tự chủ.
Bài 1: Một loạt sai phạm tại các bệnh viện ở xứ Thanh
Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện một loạt sai phạm tại các bệnh viện tuyến huyện và cả tuyến tỉnh. Trong đó có nhiều vấn đề không nằm ở việc khám, chữa bệnh mà ở công tác quản lý bộ máy, nhân sự, tài sản, mua sắm thiết bị vật tư, phòng chống tham nhũng…
Sai phạm trong hạch toán tài chính!
Thanh tra tỉnh Thanh Hoá đã có kết luận về nhiều vấn đề tại Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở bênh viện này chưa căn cứ vào các văn bản cụ thể của Nhà nước, bộ, ngành liên quan; về chỉ tiêu biên chế được giao trong 2 năm, cơ cấu bộ phận và cơ cấu chuyên môn chưa đảm bảo.
Thông báo tuyển dụng không nêu hình thức tuyển dụng, thời gian và địa điểm thi tuyển, xét tuyển; chưa lập biên bản việc niêm yết công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại viên chức lãnh đạo quản lý khi chưa có chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị, chuyển đổi vị trí công tác chưa nêu cụ thể những trường hợp phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi... quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật PCTN năm 2018.
Đơn vị không đạt dự toán thu kế hoạch trong 2 năm 2021 - 2022; sử dụng tài sản công chưa đúng quy định, hạch toán tài sản cố định không đúng chế độ tài chính kế toán.
Trong 2 năm, bệnh viện không đạt dự toán thu từ phí, lệ phí, cụ thể: Dự toán thu từ nguồn thu phí, lệ phí năm 2021 là hơn 36,2 tỷ đồng, thực hiện trong năm hơn 28,5 tỷ đồng, đạt 78,85% dự toán. Dự toán thu từ nguồn thu phí, lệ phí năm 2022 là hơn 39,4 tỷ đồng, thực hiện trong năm hơn 33,4 tỷ đồng, đạt 84,77% dự toán.
Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn trích lập thiếu nguồn cải cách tiền lương, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Bệnh viện đã hạch toán số tiền mua tài sản hơn 1,6 tỷ đồng vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong năm, làm giảm lợi nhuận, dẫn đến chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương là hơn 578 triệu đồng, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là hơn 1 tỷ đồng.
Như vậy, đơn vị phải hạch toán điều chỉnh tăng nguồn cải cách tiền lương, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp với số tiền phải trích lập là hơn 896 triệu đồng; số đã trích là hơn 36,1 triệu đồng; số tiền đơn vị còn trích thiếu là hơn 860 triệu đồng.
Do nguồn thu không đạt dự toán trong 2 năm, nên riêng năm 2022 không có chênh lệch thu chi, do đó, không có nguồn để trích bổ sung quỹ thu nhập, quỹ khen thưởng, phúc lợi. Bệnh viện đã tạm chi cho cán bộ, công nhân viên trong các ngày lễ, Tết, thành lập ngành theo mức chi trong quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng lại lấy từ nguồn thu phí, lệ phí của bệnh viện với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó, năm 2021 số tiền hơn 677,1 triệu đồng, năm 2022 số tiền là hơn 2,07 tỷ đồng.
Lúng túng trong quản lý, sử dụng tài sản công
Qua kiểm tra các hoạt động dịch vụ cho thuê nhà xe, quầy thuốc cho thấy, trong 2 năm 2021 - 2022, Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn kê khai, nộp thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hoá quyết định thu hồi số tiền này về tài khoản chờ xử lý của Thanh tra tỉnh, tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Về việc hạch toán kế toán còn chưa đảm bảo theo chế độ tài chính kế toán đối với chi phí mua sắm tài sản cố định, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. Năm 2022, bệnh viện hạch toán tài sản cố định, số tiền hơn 792 triệu đồng vào tổng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang là không đúng chế độ tài chính kế toán. Như vậy, bệnh viện phải hạch toán điều chỉnh giảm chi phí sản xuất dở dang số tiền nói trên.
Việc cho thuê tài sản công tại đơn vị được thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công theo quy định tại khoản 3, Điều 55 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã nêu rõ trách nhiệm để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm thuộc về Giám đốc, phó giám đốc phụ trách, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Tài chính - kế toán và cá nhân trực tiếp tham mưu.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những khuyết điểm, vi phạm đã chỉ ra.
Điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán theo quy định và việc xây dựng kế hoạch phòng chống, tham nhũng, tiêu cực đầy đủ các nội dung theo quy định, thực hiện sắp xếp về cơ cấu bộ phận và cơ cấu chuyên môn theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý của bệnh viện; tuyển dụng viên chức; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, viên chức theo quy định, kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và lập dự toán thu chi bám sát với khả năng của đơn vị; hạch toán kế toán; trích lập, sử dụng các quỹ đúng theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn cho thuê tài sản phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; phải xây dựng đề án sử dụng tài sản công theo quy định tại Khoản 3, Điều 55 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem xét phê duyệt.
Đối với bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Ung bứu Thanh Hóa, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra loạt sai phạm như: Việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2021, 2022 Giám đốc Bệnh viện chưa ban hành Quyết định về việc công khai dự toán ngân sách; chưa thực hiện công khai việc điều chỉnh giảm hoặc bổ sung dự toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Bệnh viện không dự báo được số bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì vậy, việc lập dự toán thu chưa sát với thực tế. Cụ thể, số thu viện phí, BHYT, thu khác vượt 81% so với dự toán.
Năm 2022, Bệnh viện chi từ nguồn ngân sách cấp có một số nội dung không sát với dự toán đầu năm. Cụ thể: Tiền lương theo ngạch bậc vượt 26,8% dự toán giao; Phụ cấp lương vượt 10,9% dự toán giao.
Năm 2021, đơn vị hạch toán giảm nguyên giá tài sản cố định hơn 510 triệu đồng là xe ô tô 5 chỗ ngồi Ford focus biển kiểm soát 36B-1708 sản xuất năm 2010 khi không có hồ sơ thanh lý tài sản là không đúng qui định.
Ngoài ra vẫn còn một số tài sản công như nhà ăn, căng tin; Nhà để xe khách; Mặt bằng đặt máy mát xa; Mặt bằng đặt máy bán nước tự động; Mặt bằng Quầy dịch dịch kính thuốc và thiết bị y tế gia đình, Bệnh viện đang thực hiện cho thuê nhưng không qua đấu giá.
Năm 2021, 2022 Bệnh viện thực hiện kê khai, quyết toán thuế GTGT, thuế TNDN của quầy thuốc và một số dịch vụ theo hình thức thuế khoán chưa đúng quy định. Qua kiểm tra cho thấy năm 2021, 2022 Bệnh viện kê khai, quyết toán thiếu tiền thuế GTGT, thuế TNDN đối với các khoản doanh thu dịch vụ chịu thuế, với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi số tiền thuế năm 2021, 2022 trên của đơn vị về tài khoản chờ xử lý của Thanh tra tỉnh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Bệnh viện đã thực hiện.
Để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm nêu trên tại Bệnh viện Ung bứu Thanh Hóa, trách nhiệm thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Trưởng khoa Dược và các cá nhân trực tiếp tham mưu.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa cũng chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc. Cụ thể, đơn vị chưa thực hiện tổ chức đấu thầu dịch vụ: nhà ăn bệnh nhân, dịch vụ bảo vệ, vệ sỹ và dịch vụ vệ sinh công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 6197/2017/QĐ-BYT ngày 16/10/2016 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quản lý dịch vụ thuê khoán ngoài bệnh viện và các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngoài ra, đơn vị chưa lập Đề án Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đối với dịch vụ nhà ăn của bệnh nhân theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mua máy nội soi tai mũi họng, máy monitor và máy hơi đôi chưa đảm bảo trình tự thủ tục trong hồ sơ mua sắm do khảo sát giá sau khi các bên đã ký kết hợp đồng mua bán; mua kit xét nghiệm nhanh Covid-19 chưa đảm bảo nội dung trong thư mời chào giá…Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Lộc Lê Văn Thắng sau đó đã bị kỷ luật Cảnh cáo và chuyển công tác khác.
Bài 2: Sai phạm trong quản lý cán bộ, mua sắm, đấu thầu, kê khai tài sản cá nhân