Thành đầu bếp giỏi nhờ… sống ở trại giam

congly.com.vn| 13/04/2012 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày cải tạo lao động trong Trại giam Nam Hà đã đưa bị án tên Đại đến với nghề nấu ăn như một cơ duyên. Giờ đây, Đại đã có thể tự tin đảm nhận vai trò của một đầu bếp chính.

Vấp ngã vì được nuông chiều


Không muốn đưa hình lên báo, đó là lý do duy nhất Nguyễn Văn Đại, SN 1987, quê ở Bình Lục, tỉnh Hà Nam giao kèo với tôi trước khi kể về cuộc đời sóng gió của mình. Theo lời Đại thì hiện tại anh đã có người yêu và dẫu biết rằng, sớm muộn thì ông bố vợ tương lai cực kỳ khó tính sẽ biết tới bản lý lịch “đen” của chàng rể quý nhưng anh muốn tự mình nói ra chứ không muốn ông cụ “sốc” khi tình cờ thấy Đại trên báo. Một thanh niên cách đây 2 năm còn bước những bước chân ngập ngừng khi được đặc xá trở về, giờ đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong xã hội, đủ tự tin để đi tìm hạnh phúc lứa đôi.


Sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, là con út lại là con trai độc nhất nên khỏi phải nói, Đại được cưng chiều thế nào. Con nhà nông nhưng Đại chẳng thiếu thứ gì, từ tiêu chuẩn ăn đến người chăm sóc cứ như con nhà khá giả. Lớn lên trong sự cưng chiều của cả gia đình, Đại cứ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, thích gì được nấy. Nhiều khi Đại chỉ cần rơm rớm nước mắt là ông bố đã quát tháo om sòm, bắt mẹ Đại và đám con gái phải thực hiện ngay ý muốn của “quý tử”.


Đại bảo, anh chẳng trách bố mẹ vì quá nuông chiều mình nhưng xét ra cách dạy con của họ có phần thái quá nên cậu sớm hư hỏng. Lúc còn bé, Đại không nhớ mình đã “đành hanh” thế nào để các chị bị ăn đòn oan nhưng sau này khi vào trại giam, ngẫm nghĩ lại những việc mình đã làm, Đại mới thấy sao ngày ấy, có lúc mình “ác” thế.


Theo lời Đại thì đó là một buổi chiều mùa đông rét mướt. Đại mải chơi, đến lúc về nhà thì đã quá bữa cơm chiều. Thấy bếp nguội tanh, các chị mỗi người một việc đang lúi húi dọn dẹp, Đại tưởng mọi người ăn hết cơm của mình nên lăn ra ăn vạ. Không ngờ, bữa đó cả nhà ăn canh nấu vì hết gạo. Có lồng cơm phần Đại ủ trong chăn nhưng vì vẫn còn đói nên người chị kế trên Đại đã lén ăn vụng. Thấy chị gái bưng ra bát cơm đã lẹm đi một nửa, miệng thì luôn xin lỗi Đại nhưng cậu không chịu để yên, cứ thế la toáng lên. Bố Đại khi ấy đang ở bờ ao, sắp rau bắp cải lên sọt để sớm mai đi chợ sớm, nghe tiếng hét của cậu con trai quý tử liền chạy vào. Chẳng để cho mấy cô con gái kịp thanh minh, rút ve bừa vụt túi bụi. Nhìn các chị oai oái kêu khóc, xin bố tha lỗi, Đại vênh mặt đắc chí, trong đầu chỉ nghĩ một điều rằng tại họ có lỗi.


Trò chơi điện tử ùa về làng quê, tồn tại song song với nó là trẻ em hư, trốn học đi chơi, trong số đó có Đại. Đang học hành tử tế, bỗng một ngày thấy ngại đến trường, Đại tuyên bố nghỉ học khi chỉ còn một năm nữa là nhận bằng tú tài.


Không phải vướng bận học hành, việc nhà đã có các chị gái, suốt ngày Đại lông bông với đám choai choai trong làng đã nghỉ học, la cà hết quán điện tử này tới quán chat khác. Trong đám thanh niên nhầng nhầng ở làng, Đại chơi thân nhất với Lâm bởi cả hai cùng có một điểm chung là bỏ học giữa chừng và đều thích chơi điện tử.


Giống như một quy luật khó tránh khỏi khi không đủ tiền nuôi cơn nghiện điện tử ắt phải xoay sở, với Đại và Lâm cũng thế. Xin tiền bố mẹ, thậm chí trộm tiền của người thân mãi rồi cũng có lúc bị phát hiện. Trong lúc bí tiền chơi bời, hai tên rủ nhau đi cướp và mục tiêu mà họ nhắm tới là những học sinh trường dân lập ở gần nhà. Theo đó, cứ tầm trưa, lợi dụng thời điểm mọi người nghỉ trưa, Đại và Lâm lại đứng đón lõng những học sinh đi học sớm, dùng dao uy hiếp họ để lấy xe đạp mang đi bán, lấy tiền chơi điện tử.

Năm 2006, Đại và Lâm bị bắt sau khi gây ra mấy vụ cướp tài sản của học sinh, phải trả giá bằng mức án 5 năm tù. Ngỡ ngàng, ân hận và xấu hổ, bố Đại không gượng nổi, đổ bệnh nằm liệt giường, mọi việc trong nhà dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ Đại và mấy người chị. Thật may là Đại được thi hành án ở Trại giam Nam Hà, cách nhà vài chục cây số nên chuyện thăm nom, tiếp tế vì thế được thường xuyên hơn.


Trong cái rủi lại gặp cái may


“Đúng là số em vẫn chưa hết vận đỏ”, Đại cười toe toét, khẽ ngửa đôi tay đang cầm quai chảo trên bếp và trong nháy mắt, cái trứng tráng tròn như vầng trăng đã nằm gọn trên chiếc đĩa. Đại bảo lắm lúc vẫn cứ băn khoăn tự hỏi: Phải chăng nghề đầu bếp đã chọn mình nên chờ tới khi vào trại giam để “gặp gỡ”.


Sau thời gian học nội quy trại, được học rất nhiều nghề từ trồng rau, tạo cây cảnh, khâu bóng tới làm đá mỹ nghệ nhưng chẳng việc nào Đại làm ra hồn. Thấy Đại quá vụng về, cán bộ quản giáo cho anh về làm đội bếp ở phân trại trung tâm với nhiệm vụ là nhặt rau, vo gạo, nhóm lò, nhào than, thi thoảng cùng mấy người khỏe mạnh mang xe bò đi lấy gạo, thực phẩm về cho phân trại. “Ở trại giam, các món ăn đơn thuần, không phải nơi để mình có điều kiện để học hỏi những món ngon, món lạ, độc đáo nhưng đấy là thời khắc quan trọng làm thay đổi suy nghĩ, hướng đi của cuộc đời em”, Đại thẳng thắn.

Thời gian vất vả với những nồi cơm to đùng, những chảo thịt rim “vật vã” đã giúp Đại nâng cao tay nghề lên rất nhiều. Đại bảo, gạo trong tù không “thuần chủng” như ở bên ngoài, nếu không khéo sẽ trên nát, dưới khê, tứ bề sống sượng, còn thức ăn thì nếu không có kinh nghiệm xào nấu, thịt trong chảo sẽ mỗi miếng một kiểu dính muối. Nghe các phạm nhân đứng tuổi dạy bảo, Đại thấy nghề nấu nướng thật công phu nên quyết tâm theo học. Cậu dự định sau này ra tù sẽ đi học nghề nấu ăn và kiếm sống bằng công việc này.

Quốc khánh năm 2009, Đại được đặc xá sau khi đã thi hành án được 3 năm. Ngập ngừng bước chân trở về, Đại bỗng thấy run vì không biết có đoạn tuyệt được với quá khứ để đến với nghề đã dự định. Cứ nghĩ tới những ngày vụng dại, Đại lại do dự vì sợ bị mọi người từ chối. Đại bảo, dẫu đã chuẩn bị sẵn tư tưởng rằng nếu bố mẹ có ngăn cản thì anh cũng quyết tâm đi học nghề nấu ăn nhưng nếu được gia đình hậu thuẫn thì có động lực hơn rất nhiều. Chần chừ mãi rồi Đại cũng rụt rè thông báo ý định của mình và cậu không ngờ bố mẹ hưởng ứng ngay.


Khoác ba lô lên Hà Nội tìm chỗ học nghề, Đại biết sau lưng mình là những đôi mắt lo âu xen lẫn hy vọng của cha mẹ và các chị. Gần một năm theo học, khi đã có một chút vốn kiến thức, Đại đến các quán ăn, nhà hàng xin phụ việc vừa để có chỗ thực hành, vừa lấy tiền tiếp tục nâng cao tay nghề. Thấy anh chăm chỉ, yêu nghề, chủ nhà hàng đã giao cho anh đứng bếp chính và niềm vui như được nhân lên gấp bội khi cùng một lúc, anh nhận được cái gật đầu đồng ý của cô bạn làm cùng.


Giờ thì Đại có thừa tự tin để kể về lần vấp ngã của mình. Anh bảo đã chuẩn bị tinh thần để cùng người yêu về ra mắt bố vợ tương lai dù biết “phụ huynh” của người yêu rất khó tính và gia trưởng. Con đường anh đi chưa phải đã hết chông gai nhưng tôi tin, chàng thanh niên này sẽ có cách thuyết phục bố vợ giống như cách anh đã tự “trưởng thành” khi bước vào tuổi 24.


Nguyễn Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành đầu bếp giỏi nhờ… sống ở trại giam