Tham nhũng “vặt” và gánh nặng chi phí

Bảo Dân| 15/01/2018 18:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN vừa và nhỏ, ngay cả các DN lớn cũng kêu rằng gánh nặng chi phí đang làm hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của DN.

Theo báo cáo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, có những khoản như chi phí tiếp cận điện năng cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Các chi phí không chính thức đang nặng vai DN, cản trở sự phát triển của cả nền kinh tế, dù đã có những nỗ lực lớn từ Chính phủ với quyết tâm kiến tạo và phục vụ.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các chi phí chính thức của DN dễ dự tính như thuế, phí… Tuy nhiên, hai chi phí này chỉ là một phần của chi phí chính thức còn  phi chính thức rất khó hình dung nhất là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội. Chẳng hạn, nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi DN mất 1 người đi thực hiện ước tính chi phí khoảng 200.000/người/ngày, vậy chi phí cho khoảng nửa triệu DN cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh loại chi phí không chính thức về thời gian, cơ hội, báo chí và dư luận nhiều lân lên tiếng về loại chi phí “bôi trơn” và “tham nhũng vặt “ của  nhân viên, cán bộ thực thi chức năng quản lý. Loại chi phí này dù là “vặt” nhưng “ tích tiểu thành đại” , gây  hậu quả lớn về tài chính, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của  từng DN và cả nền kinh tế.

Để giảm chi phí cho DN, cần giảm thiểu các giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính.  Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII,  Chính phủ đã có nhiều quyết sách về xây dựng Chính phủ điện tử nhưng thời gian tới, nhiều giải pháp cần được đẩy mạnh hơn nữa, đó là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục, hồ sơ qua mạng để giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức. 

Đối với các chi phí này, hiện đang  có nhiều dư địa để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện để giảm cho DN. Ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực thực hiện cắt giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN, nhờ đó một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được cắt giảm đạt những kết quả khá ấn tượng, được ghi nhận. Tuy nhiên, tiến bộ này chưa đạt so với kỳ vọng của người dân và DN.

Nhận diện những hạn chế này, các chuyên gia cho rằng do vẫn giao cho các bộ, ngành tự rà soát toàn bộ lĩnh vực và tự rà soát từng thủ tục. Cách làm này không hiệu quả và có tình trạng vì chính các bộ, ngành là nơi xây dựng và thực thi chính sách, nếu để cơ quan này tự rà soát và cắt bỏ quy định họ ban hành thì khó đạt kết quả. Chẳng hạn hiện nay vẫn có đến 10 bộ ngành đang muốn sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh mà không muốn cắt bỏ.  Như vậy cần giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ giám sát điều chỉnh các văn bản do các bộ  ngành ban hành.

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần quan tâm tới trách nhiệm xã hội của DN. Trước hết, cộng đồng DN phải tự nâng cao năng lực sản xuất, trụ vững trên đôi chân của mình. Môi trường có thể làm thay đổi hành vi. Nếu có một môi trường an toàn bình đẳng, có thể chế minh bạch giảm tối đa sự can thiệp của cơ quản lý nhân danh Nhà nước sẽ ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của cán bộ công chức. Đây sẽ là giải pháp tốt nhất để giảm các chi phí không chính thức đối với DN.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng “vặt” và gánh nặng chi phí