Hóa ra nước ta đã có ngành sản xuất tàu bay nhưng là tàu bay giấy. Đã có hãng tàu bay trên giấy bởi sau khi có giấy phép rất lâu mà không bay. Vậy nên, Bộ GTVT đã chính thức trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không.
Điều được các doanh nghiệp hàng không trông đợi nhất là các quy định liên quan tới điều kiện về vốn đối với hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều mà theo các chuyên gia là khoảng trống pháp lý trong kinh doanh hàng không hiện nay.
Được biết, tại Điều 11 của Dự thảo, Bộ GTVT trình 2 phương án. Theo phương án thứ nhất, hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện là bên nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ; một cá nhân/pháp nhân Việt Nam phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Còn theo phương án thứ hai, hãng hàng không có vốn FDI, một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 20% vốn điều lệ; một cá nhân hoặc pháp nhân Việt Nam phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Như vậy, với phương án thứ hai, Bộ GTVT thừa nhận, đầu tư nước ngoài bị hạn chế, nhưng bù lại, sẽ hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp thành lập hãng hàng không trên giấy chỉ với mục đích bán cổ phần thu lợi, trục lợi, như trường hợp một số hãng hàng không được thành lập tại Việt Nam.
Dự thảo cũng quy định: hãng hàng không chỉ được phép thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau 2 năm kể từ ngày bắt đầu khai thác vận chuyển hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không chung và phải tuân thủ các quy định tại Điều 11.
Để tránh một vụ Indochina Airlines thứ hai, Bộ GTVT cũng đề xuất nâng vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, trong số 3 mức vốn pháp định tối thiểu để gia nhập thị trường được đề cập tại Dự thảo, các hãng khai thác đến 10 tàu bay sẽ phải có tối thiểu 700 tỷ đồng nếu muốn mở đường bay quốc tế (quy định cũ là 500 tỷ đồng) và 300 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa (quy định cũ là 200 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại phải đảm bảo tối thiểu là 2 chiếc và số lượng tàu bay thuê có tổ lái đến hết năm khai thác thứ ba không chiếm quá 30% đội tàu.
Trong một diễn biến khác, Cục Hàng không Việt Nam cho biết giấy phép bay của Indochina Airlines đã bị rút do đã ngừng khai thác và cũng không có một động thái nào cho thấy sẽ tái hoạt động trở lại. Cục Hàng không Việt Nam còn cho biết đã rút giấy phép bay của Công ty Cổ phần hàng không Trãi Thiên, hay còn gọi là Hãng hàng không Trãi Thiên (Trai Thien Air Cargo) - hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam chuyên về vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, vì không lập báo cáo tình hình tài chính, kế hoạch khai thác hoạt động bay. Hiện chỉ còn các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Air Mekong, Vasco và VietJet Air đang hoạt động. Theo đó, không còn hãng “tàu bay giấy” nào hiện diện trên bầu trời Việt Nam.
Bảo Dân