Ngày 11-1, tiếp tục chương trình và bế mạc phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 của Chính phủ, các Bộ, ngành và các cấp đã tạo bước chuyển biến mới trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Từ năm 2005 đến năm 2010, tổng số văn bản được ban hành ở tất cả các cấp là 186.322 văn bản có chứa quy phạm pháp luật, trong đó HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành hơn 29.000 nghị quyết, quyết định và chỉ thị; HĐND, UBND cấp huyện ban hành hơn 75.000 nghị quyết, quyết định và chỉ thị; HĐND, UBND cấp xã ban hành hơn 78.000 nghị quyết, quyết định và chỉ thị...
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, việc ban hành văn bản còn có những hạn chế như hệ thống luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương; hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự được đặt ở vị trí quan trọng nhất và còn thiếu sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên từ các cơ quan cấp trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát cần tập trung hơn và đưa ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động ban hành văn bản. Nghị quyết cần nêu rõ giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2004; quy định rõ việc ban hành văn bản của HĐND, UBND phải bảo đảm đúng hình thức, trình tự, thủ tục, nội dung văn bản phải hợp hiến, hợp pháp, không trái các văn bản cấp trên. HĐND, UBND các cấp không được dùng công văn, thông báo để đề ra các nội dung mang tính quy phạm pháp luật.
Các Ủy viên UBTVQH đã cho ý kiến lần 2 vào kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Kết quả báo cáo cho thấy, chất lượng giám sát được nâng cao. Việc chuẩn bị Nghị quyết về kết quả giám sát cần được hoàn thiện, bổ sung vì đây là một văn bản quan trọng có tác động tới hoạt động của HĐND, UBND các cấp trong thực tiễn hiện nay.
Trước đó, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau của Luật Giám định tư pháp. Theo đó, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; Cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y...
Các đại biểu cho rằng, cần thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và nên lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi quyết định phương án trình Quốc hội xem xét. Vì mục tiêu cuối cùng của quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y là phải đáp ứng yêu cầu hiệu quả điều tra trong quá trình tố tụng hình sự. Thực tiễn nhiều năm qua, việc tồn tại đội ngũ giám định viên pháp y tại các phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh là giải pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, hoạt động giám định tư pháp của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng. Các đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành.
M.Thoa