Tăng thêm khoản thu, Hà Nội có còn là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp?

Ngọc Mai| 12/06/2020 22:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù cho Hà Nội, song ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng vẫn băn khoăn khi tăng thêm một số khoản thu, đặc biệt là phí và lệ phí Hà Nội còn thu hút được các doanh nghiệp.

 

Tăng thêm khoản thu, Hà Nội có còn là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Sáng ngày 12/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. 

3 đại biểu đã tham gia thảo luận ở nôi dung này.

Để Hà Nội chủ động về ngân sách, đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển

Về cơ bản các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước có luật của riêng mình (Luật Thủ đô). Năm 2017, Chính phủ có Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô quy định một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Qua 3 năm thực hiện Nghị định 63 đã đạt một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách hiện hành chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội.

Theo đại biểu hiện nay, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức ở nhiều lĩnh vực như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định bền vững, tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học. Cùng với đó là, quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết căn cơ... Trong khi đó, quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước và các vùng lân cận.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách về tài chính, ngân sách sẽ cho phép Hà Nội huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển.

Các cơ chế, chính sách này cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là Thủ đô, là động lực phát triển của vùng và của cả nước; đưa thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn hơn giai đoạn 2020-2025; trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả và có sức cạnh tranh trong nước cũng như khu vực, quốc tế.

Ngoài ra, đại biểu cũng tranh luận thêm việc dùng tử "đặc thù" trong dự thảo Nghị quyết: “Có đại biểu cho rằng có địa phương được hưởng nhiều cơ chế đặc thù cho nên chỉ dành cơ chế đặc thù cho tỉnh nghèo, có điều kiện còn nhiều khó khăn để giúp cho các tỉnh đó vươn lên. Nhưng tôi có ý kiến khác, đúng là địa phương nào cũng có đặc thù nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế cũng có quy định riêng cho các địa phương ấy. Trong thời gian qua có quá nhiều đặc thù mà ít nhiều cũng gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền đặc lợi. Do đó không nên dùng từ đặc thù trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ đặc thù trong dự thảo nghị quyết”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý.

“Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện nay chưa có đánh giá tổng kết để điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô, thì việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù lần này là thử nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá các nội dung mới, có thể đưa vào sửa đổi Luật.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất như Nghị quyết, bởi trong đó có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TP. Hồ Chí Minh trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt.

“Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Hai là cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết thêm, các cơ chế chính sách đã áp dụng thí điểm với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 hiện áp dụng hiệu quả, dần phát huy trên thực tế như việc bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí. Nếu xác định mức phí, lệ phí phù thuộc vào nhu cầu phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả, phù hợp với từng khu vực sẽ góp phần tạo ra được dịch vụ công tốt hơn.

Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết quy định này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả.

Hay như đối với đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và khuyến khích địa phương hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tốt hơn và khi cổ phần hóa thu được giá trị cao hơn.

Các doanh nghiệp có còn coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không?

Trong khi đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) ví một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là “nhà mặt tiền” của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá xã hội và là trái tim cả nước.

“Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng, hay máu độc chảy về đây, nên cần phải có sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp. Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khoẻ", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo đại biểu Nhưỡng, trong mấy nghìn năm qua Hà Nội phấn đấu và xây dựng giờ đây có một cơ ngời không phải là thành phố vĩ đại, nhưng cũng là một trong những thành phố ấn tượng, thành phố vì hòa bình. Đây là công lao của Đảng, Nhà nước và người dân cả nước.

Từ đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn chúng ta phát huy những thành quả này như thế nào? hơn thế là cơ chế nào để phát huy tiềm lực của  "nhà mặt tiền" mà Hà Nội có.

Khẳng định việc xin cơ chế là đúng, nhưng xin cơ chế phải khác với chuyện xin nguồn lực nên cần đánh giá rõ ràng. Do đó, trước hết Hà Nội  cần phát huy vai trò cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo và sự phấn đấu của toàn bộ người dân Thủ đô để phát triển.

Cho rằng nếu Hà Nội tăng lên phần tốt, giảm đi những phần tiêu cực- mà theo đại biểu là tiêu cực còn 30% và tích cực 70%, thì Hà Nội sẽ trở thành vị trí vô cùng xứng đáng. Từ thực tế Hà Nội hiện nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn bày tỏ băn khoăn việc tới đây Hà Nội sẽ tăng thêm một số khoản thu, đặc biệt là phí và lệ phí. Điều này đã được đánh giá như thế nào đến tác động của người dân và doanh nghiệp. "Liệu với cơ chế này các doanh nghiệp có còn coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không, hay người ta sẽ chạy sang các tỉnh lân cận", đại biểu Nhưỡng đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác đại biểu phản ánh, trong Nghị quyết 54 của Thành phố Hồ Chí Minh có những cam kết rất rõ ràng, nên đề nghị cần có những quy định, đánh giá rõ ràng về sự đóng góp của Hà Nội trong nghị dự thảo Nghị quyết. 

Theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn: Thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Để tạo điều kiện cho Thành phố có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh); được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Uỷ ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Chính phủ trình Quốc hội quy định Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Quy định Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: Phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp  nước, thoát nước, điện, các phương tiện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do Thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Được sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác; cho phép các quận, huyện sử dụng ngân sách của cấp huyện để hỗ trợ các quận, huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của Thành phố từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; cho phép Thành phố được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% so số dư Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố đến ngày 31 tháng 12 năm trước.

Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm và xác định rõ trách nhiệm củaThành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. Quy định việc giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố Hà Nội.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thêm khoản thu, Hà Nội có còn là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp?