Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí diễn ra phổ biến và phức tạp ở hầu hết các công trình xây dựng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Theo số liệu của Tổng Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2013, Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 3.064 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước 732 tỷ đồng; giảm thanh toán 1.238 tỷ đồng; xử lý khác 1.094 tỷ đồng... Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục và kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong những năm qua, lực lượng kiểm toán đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với nạn tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, kết quả đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Do tính đặc thù của hoạt động xây dựng cơ bản nên việc phòng ngừa, phát hiện, khám phá tội phạm này thường gặp nhiều khó khăn. Đối tượng phạm tội tham nhũng trong xây dựng cơ bản thường là những người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài sản, có mối quan hệ với những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước cùng thông đồng, móc ngoặc với những thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
TS. Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu của quá trình quản lý đầu tư. Trong đó, nhiều tồn tại, hạn chế đã gây lãng phí ngân sách nhà nước và làm giảm hiệu quả đầu tư, như: một số Bộ, ngành chưa lập quy hoạch phát triển ngành theo đúng quy định; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa bảo đảm trình tự thời gian; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; đầu tư thiếu đồng bộ; hồ sơ, chất lượng khảo sát chưa bảo đảm; thiết kế, lập dự toán không phù hợp, phải điều chỉnh làm tăng giá trị dự toán, điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu; biện pháp tổ chức thi công chưa hợp lý; chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện những sai sót để khắc phục.
Hầu hết các dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, triển khai không triệt để, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Phương án bồi thường, hỗ trợ nhiều khi còn sai sót, hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp. Nhiều dự án nghiệm thu sai khối lượng, nghiệm thu thanh toán khi chưa có khối lượng hoàn thành, không đúng thực tế thi công, chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Chất lượng một số công trình chưa bảo đảm, có hiện tượng nhanh xuống cấp, hư hại…
Việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn( ảnh minh họa)
Điểm đáng chú ý, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản của Kiểm toán Nhà nước còn nhiều hạn chế. So với các cơ quan có chức năng về phòng, chống tham nhũng khác, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước có nhiều điểm khác biệt. Theo TS. Nguyễn Hữu Vạn, phương pháp kiểm toán chủ yếu là cân đối, đối chiếu, phân tích, phỏng vấn… được thực hiện chủ yếu trên cơ sở chứng từ, tài liệu do đơn vị được cung cấp. Trong khi đó, chứng từ, tài liệu có liên quan đến hành vi tham nhũng thường được hợp thức hoá, đầy đủ các thủ tục theo quy định. Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước không có đủ thông tin, số liệu thống kê đáng tin cậy để kiểm chứng sự hợp lý, phù hợp với giá cả thị trường của giá mua bán tài sản, trang thiết bị, hàng hóa… nên việc nhận định có dấu hiệu tham nhũng trong các hoạt động đầu tư xây dựng, mua bán, định giá thiếu bằng chứng thuyết phục.
Để phát hiện hành vi tham nhũng, cần áp dụng các phương pháp nghiệp vụ như điều tra, trưng cầu giám định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, kiểm định độc lập đối với dự án được kiểm toán; tuy nhiên, phương pháp này còn ít được Kiểm toán Nhà nước sử dụng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở đánh giá, xác nhận, phát hiện, kết luận và kiến nghị về hành vi tham nhũng.
Để góp phần cùng các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội thực hiện thành công nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã đề ra một số giải pháp, đó là: đổi mới nội dung, xác định rõ trọng tâm kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cho từng cuộc kiểm toán theo hướng tập trung vào những vấn đề then chốt, rủi ro cao, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Mở rộng phạm vi kiểm toán đối với các loại hình dự án đầu tư xây dựng cơ bản như dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, hình thức hợp đồng EPC; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; việc quản lý, giao đất và thu tiền sử dụng đất đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt chú trọng kiểm toán tuân thủ đối với các khâu, các bước của quá trình đầu tư xây dựng, như công tác khảo sát, công tác thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, công tác quản lý tiến độ và quản lý chất lượng thi công… Tăng cường trưng cầu giám định, kiểm định chất lượng công trình thông qua việc thuê các đơn vị tư vấn kiểm định có đủ chức năng để đánh giá chất lượng công trình. Qua đó, phát hiện những sai sót về chất lượng thi công xây dựng công trình, nhất là các chỉ tiêu chất lượng của dự án.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý.