Ngày 14/11/2017, TANDTC Việt Nam và TATC Hàn Quốc tổ chức Hội thảo “Về cấu trúc án lệ và nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn”.
Tham gia hội thảo có các Thẩm phán và chuyên gia TATC Hàn Quốc; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC; các Thẩm phán TAND tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa…
Trao đổi về xây dựng và áp dụng án lệ
Tại hội thảo, các Thẩm phán TATC Hàn Quốc đã giới thiệu khái quát về án lệ của Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc là quốc gia theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa; luật thành văn là nguồn luật. Án lệ được hệ thống pháp luật của Hàn Quốc áp dụng trong thực tiễn xét xử. Cấu trúc cơ bản bản án của TATC Hàn Quốc được viết theo phương pháp tam- đoạn- luận (tiền đề lớn- tiền đề nhỏ- kết luận) theo từng vấn đề tranh cãi. Ở Hàn Quốc, đa phần án lệ không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý, do đó Tòa án cấp dưới không có nghĩa vụ phải tuân theo hoặc viện dẫn án lệ. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, án lệ của TATC Hàn Quốc có hiệu lực ràng buộc lớn trên thực tế.
Thẩm phán Oh Byung Hie chia sẻ kinh nghiệm về án lệ Hàn Quốc
Quá trình trao đổi, các chuyên gia TATC Hàn Quốc đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong cấu trúc của án lệ Việt Nam. Theo đó, hiện nay án lệ của Việt Nam không phải là bản án gốc mà được viết lại dưới hình thức nhất định và được ban hành dưới hình thức khác so với bản án thông thường. Liên quan đến cấu trúc và cách viết án lệ, TANDTC Việt Nam biên tập, viết lại bản án gốc, hoặc cũng có thể lấy y nguyên bản án gốc và xuất bản tập án lệ. Án lệ của Việt Nam không rút ra nguyên tắc pháp lý trọng tâm của vụ việc và không trình bày riêng, mà lại đưa nguyên tắc pháp lý vào các tình tiết của vụ án. Những án lệ của Việt Nam được ban hành và công bố cho đến nay đều là bản án, quyết định của TANDTC và dự kiến trong thời gian tới đa phần án lệ sẽ được ban hành bởi bản án của TANDTC.
Theo quan điểm của ông Oh Byung Hie, Thẩm phán chủ tọa Tòa án địa phương Daegu (Hàn Quốc) thì cách viết lại án lệ của Việt Nam như vậy có thể có những ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là trong quá trình viết lại án lệ, có thể loại bỏ các nội dung không phải là cốt lõi của bản án gốc và chỉ đưa ra nguyên tắc pháp lý cốt lõi của án lệ đó, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được vấn đề gây tranh cãi và nguyên tắc pháp lý. Tuy nhiên, việc viết lại và biên tập án lệ có nhược điểm là một số vấn đề gây tranh cãi về mặt pháp lý có trong bản án gốc có thể bị loại bỏ, bị bỏ sót hoặc nội dung chính của bản án gốc bị “bóp méo” theo ý kiến của người biên tập và có thể dẫn đến kết quả là làm giảm phạm vi xem xét, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu.
Mặt khác, về cách viện dẫn án lệ, Điều 8 Nghị quyết về việc lựa chọn, công bổ án lệ do TANDTC Việt Nam ban hành, quy định: Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án. Trên thực tế, mặc dù Điều 8 Nghi quyết của TANDTC ghi cụ thể về việc viện dẫn, nhưng Thẩm phán có thể chia thành nhiều cách viện dẫn, do đó rất khó đế đưa ra một phương pháp chung đối với tất cả các Thẩm phán
Nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng án lệ
Thẩm phán Lee Sang Deok, Nghiên cứu viên xét xử của TATC Hàn Quốc cho rằng, án lệ của Việt Nam chỉ được đánh giá là thành công khi án lệ được Tòa án cấp dưới, luật sư, người dân hiểu được và áp dụng như một tiêu chuẩn có hiệu lực ràng buộc phải tuân theo trong xét xử hoặc cuộc sống thường nhật. Để đạt được thành công đó, điều kiện cần là phải tập hợp được nhiều án lệ theo từng lĩnh vực pháp luật để Tòa án cấp dưới hoặc người dân có thể tìm kiếm, dẫn dụng một cách dễ dàng trong xét xử và trong cuộc sống thông thường. Điều kiện đủ là bản thân bản án của TANDTC Việt Nam (nguồn lựa chọn làm án lệ) phải đạt chất lượng cao.
Quang cảnh buổi hội thảo
Để tăng số lượng và nâng cao chất lượng án lệ của TANDTC Việt Nam, Thẩm phán Lee Sang Deok đề xuất phương án, đó là cần tăng cường đưa ra nguyên tắc pháp lý chung và trừu tượng. Bởi lẽ hệ thống viết bản án vốn có của TANDTC Việt Nam thường chú trọng đến việc giải thích một cách sinh động tính đặc thù của từng vụ việc cụ thể, riêng biệt, nhưng lại thiếu sót trong việc đưa ra nguyên tắc pháp lý chung và trừu tượng (quan điểm về việc giải thích, áp dụng pháp luật). Mặt khác, cơ chế lựa chọn và công bố án lệ hiện nay của Việt Nam đang phải trải qua thủ tục quá phức tạp và mất quá nhiều công sức cho việc lựa chọn án lệ, vì vậy, cần điều chỉnh quy trình thủ tục lựa chọn án lệ.
Trong suốt 2 năm kể từ sau khi đưa vào áp dụng án lệ, Việt Nam mới chỉ lựa chọn và công bố được 10 án lệ. Điều này cho thấy quy trình, thủ tục lựa chọn và công bố án lệ được thiết kế quá chú trọng đến hình thức và mang tính nghi thức thủ tục, nên việc tuân thủ và thực hiện thủ tục đó rất phức tạp và khó khăn.
Hiện nay, vai trò của Vụ Pháp chế khoa- Quản lý khoa học thuộc TANDTC Việt Nam giống với chức năng của Tổ chức nghiên cứu viên xét xử thuộc TATC Hàn Quốc. Điểm khác biệt là: phía Việt Nam nghiên cứu về các phán quyết đã được tuyên trước đây, còn phía Hàn Quốc nghiên cứu, xem xét trước để phục vụ cho quá trình hình hành phán quyết. Do đó, Việt Nam cần tạo ra quy trình thủ tục lựa chọn và công bố án lệ đơn giản và thuận tiện hơn.
Các Thẩm phán TATC Hàn Quốc cũng cho rằng, khi đưa ra bản án để Tòa án cấp dưới dễ dàng tham khảo, TANDTC Việt Nam cần phải bỏ việc chỉ chủ yếu liệt kê những tình tiết của vụ án, rồi đưa ra luôn kết luận hoặc chỉ nêu ra quy định pháp luật có liên quan trong bản án chứ không trình bày giải thích về quy định pháp luật đó. Vì vậy, khi ban hành án lệ cần phải đưa ra giải thích pháp luật và nguyên tắc pháp lý trong bản án một cách chủ động, cụ thể hơn nữa.
Theo ông Oh Byung Hie, Thẩm phán chủ tọa Tòa án địa phương Daegu (Hàn Quốc) thì hệ thống pháp luật, hệ thống Tòa án và nghiệp vụ xét xử như hiện nay của các nước, trong đó có Việt Nam đều dựa trên bối cảnh truyền thống lịch sử. TATC Hàn Quốc cho rằng, việc Việt Nam lựa chọn cách thức ban hành và công bố án lệ dưới hình thức Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng phản ánh truyền thống pháp lý và thực tiễn lâu đời của Việt Nam, đồng thời cũng đã cân nhắc đến các điều kiện hạn chế về mặt pháp luật để đưa ra phương án tốt nhất. Việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống án lệ của Hàn Quốc sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích để TANDTC Việt Nam xây dựng được hệt thống án lệ, giúp cho hệ thống án lệ của Việt Nam bảo đảm chất lượng, vận hành tốt và đạt hiệu quả cao.