Các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (APBPKCTT) trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện nay đã phần nào đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp là tính nhanh chóng và sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự.
Hơn nữa, các quy định này thể hiện một sự chuyển biến lớn trong nhận thức về việc xây dựng một nền tố tụng dân chủ mà ở đó quyền lợi hợp pháp của người dân phải được đặt lên hàng đầu.
Quá trình ADBPKCTT tại các Tòa án thường phát sinh những vấn đề vô cùng phức tạp, chủ yếu xoay quanh “tính khẩn cấp” của các biện pháp cần áp dụng. Có ý kiến cho rằng thời hạn 48 giờ để Thẩm phán xem xét quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không là quá dài. Sự chậm trễ dù chỉ là một khoảng thời gian hết sức ngắn cũng đủ để người bị yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản. Cũng có ý kiến cho rằng đối với trường hợp thực sự khẩn cấp Toà án cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cả vào các ngày lễ hoặc ngày nghỉ...Tuy nhiên, TAND Tp. Hải Phòng đã vượt qua những thực trạng và khó khăn vướng mắc trên để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 3055/2012/QĐ-ADBPKCTT.
Nguyên nhân vụ việc tranh chấp được TAND Tp. Hải Phòng xác định từ năm 2011, do mâu thuẫn trong việc điều hành doanh nghiệp giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Len (Giám đốc công ty) và các thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng (trong đó có ông Ngô Văn Thẳng, bà Lê Thị Mai, ông Hoàng Long). Nhóm cổ đông do bà Mai đại diện đã khởi kiện bà Nguyễn Thị Tuyết Len ra tòa.
Quyết định 3055/2012/QĐ-ADBPKCTT của TAND Tp. Hải Phòng
Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do nhóm cổ đông khởi kiện cung cấp, TAND Tp. Hải Phòng ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên, buộc bà Len phải bàn giao con dấu cho ông Ngô Văn Thẳng - Chủ tịch HĐQT.
Quyết định này của Tòa án đã phần nào đáp ứng tính khẩn cấp, buộc bà Len phải dừng lại những hành vi trái quy định, trái điều lệ Công ty như ký và đóng dấu khống vào phiếu chi, ủy nhiệm chi...không đóng dấu vào các văn bản của Hội đồng quản trị, biến con dấu thành tài sản của cá nhân....
Để khẳng định lại tính đúng đắn của việc ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó, một lần nữa TAND Tp. Hải Phòng ban hành Quyết định số 3132/QĐ-CA giải quyết khiếu nại về quyết định áp dụng BPKCTT với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuyết Len. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND Tp. Hải Phòng là quyết định cuối cùng.
Với sự khách quan, vô tư, bằng nhiệt huyết của người làm công tác bảo vệ pháp luật, TAND Tp. Hải Phòng bước đầu đã ngăn cản được việc sử dụng tài sản không đúng quy định của bà Len, giữ nguyên hiện trạng của Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng, bảo vệ tài sản của các cổ đông. Co lẽ, điều quan trọng hơn cả là trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng, không để tạo thành tiền lệ về “điển hình của các cá nhân không tuân thủ pháp luật”.
Những biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong BLTTDS là những biện pháp nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án. Vì vậy, hy vọng trong thời gian tới Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng cũng sẽ có những biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình không chấp hành pháp luật.