TAND hai cấp TP. Hà Nội: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn Thủ đô

Trần Quang Huy| 03/07/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù số lượng các vụ án hành chính do TAND hai cấp TP. Hà Nội giải quyết ngày càng gia tăng, nhưng các Tòa án luôn thực hiện đúng nguyên tắc của pháp luật, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên toà và nâng cao chất lượng xét xử.

Vì vậy đã góp phần ổn định trật tự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước. Từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, thủ đô Hà Nội được mở rộng với diện tích 3.344,7km2, địa giới hành chính có 30 quận, huyện và thị xã với dân số trên 6,3 triệu người. Với lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, chính trị và lịch sử phát triển lâu đời, thủ đô Hà Nội đã và đang phát huy vai trò là thành phố trung tâm quan trọng nhất của đất nước, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức và hàng loạt vấn đề “nóng”, bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển, trong đó các khiếu kiện hành chính.

Khiếu kiện hành chính trên địa bàn Hà Nội phát sinh trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như: trật tự xây dựng đô thị; trật tự an toàn giao thông; các vấn đề liên quan đến ấn định và xử phạt về thuế, hải quan; sở hữu trí tuệ liên quan đến văn bằng bảo hộ quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hoá... Đặc biệt, quá trình hội nhập phát triển với hàng trăm dự án lớn về kinh tế, an ninh quốc phòng đã làm phát sinh nhiều khiếu kiện đối với hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất. Loại khiếu kiện này chiếm tỷ lệ khoảng 80% tổng số vụ án hành chính phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

TAND hai cấp TP. Hà Nội: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn Thủ đô

Trụ sở TAND TP. Hà Nội

Trong quá trình giải quyết án hành chính, TAND hai cấp TP Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định đối tượng khởi kiện phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cừ tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời, quyết định hành chính, hành vi hành chính đó phải liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Tuy nhiên, trên thực tế việc nhận diện đúng quyết định là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính còn gặp những khó khăn khi hình thức của quyết định dưới dạng thông báo, kết luận, công văn do việc ban hành văn bản không hoàn toàn chứa đựng nội dung của quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính mà còn chứa đựng nhiều nội dung quản lý nội bộ cơ quan, sự chỉ đạo quản lý giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Tình huống xảy ra khá nhiều trên thực tiễn là: UBND cấp thẳng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà không ra quyết định cấp GCNQSDĐ. Từ đó, có Thẩm phán xác định GCNQSDĐ là quyết định hành chính bị khiếu kiện trong vụ án hành chính vì nó thỏa mãn những yếu tố của loại văn bản như: Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, giải quyết vấn đề cụ thể là công nhận QSDĐ, áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Có thẩm phán thì xác định đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính trong việc cấp GCNQSDĐ và khi giải quyết vụ án, nếu có căn cứ cho rằng UBND cấp GCNQSDĐ là không đúng thì tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật và kiến nghị UBND có thẩm quyền thu hồi, điều chỉnh GCNQSDĐ đất đã cấp. Ngoài ra, việc xác định quyết định giải quyết khiếu nại khi nào thì thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính cũng là vấn đề gặp nhiều câu hỏi từ các TAND cấp huyện; việc xác định quyết định giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính cũng còn nhiều quan điểm khác nhau; việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính; hoặc vấn đề xác định về thời hiệu trong vụ án hành chính cũng còn có sự nhận thức chưa thống nhất… Mặt khác, khiếu kiện hành chính thường phức tạp, khó khăn trong hoạt động thu thập chứng cứ; có trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức rất chậm trễ trong việc ủy quyền đại diện tham gia tố tụng cũng như cung cấp tài liệu chứng cứ đã gây không ít trở ngại cho Tòa án trong việc giải quyết án hành chính tại TAND hai cấp TP. Hà Nội.

Mặc dù số lượng các vụ án hành chính do TAND hai cấp TP. Hà Nội giải quyết ngày càng gia tăng, nhưng các Tòa án luôn thực hiện đúng nguyên tắc của pháp luật, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên toà và nâng cao chất lượng xét xử. Các Thẩm phán thường xuyên tìm tòi, cập nhật văn bản luật cũng như hướng dẫn ở các lĩnh vực liên quan đến khiếu kiện để nghiên cứu, thu thập tài liệu chứng và áp dụng pháp luật chính xác khi tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, các Thẩm phán đã tổ chức đối thoại thành công nhiều vụ án theo quy định, nên đương sự thống nhất được biện pháp giải quyết và rút yêu cầu khởi kiện.

Do làm tốt công tác giải quyết, xét xử án hành chính, những năm qua TAND hai cấp TP. Hà Nội đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, được dư luận xã hội đồng tình, góp phần ổn định trật tự và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp TP. Hà Nội: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn Thủ đô