Trong những năm vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2017, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương đã quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể cán bộ công chức trong TAND hai cấp.
Đồng thời, trong suốt năm công tác, lãnh đạo TAND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cán bộ, công chức trong Tòa án hai cấp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác, như: Các đơn vị Toà án huyện, thành phố, các toà, phòng thuộc Toà án tỉnh cần bám sát và thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ chỉ tiêu của Tòa án nhân dân tối cao, của tỉnh và của Toà án hai cấp tỉnh đề ra cho năm 2017; tăng cường việc học tập chủ trương, chính sách của Đảng, cập nhật những văn bản pháp luật mới để nâng cao trình độ chuyên môn. Nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án và thi hành án hình sự đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự, chú trọng đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ án sửa so với những năm trước.
Một phiên xét xử lưu động của TAND tỉnh Bình Dương
Song song với đó là tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát kết quả, chất lượng công việc của người quản lý đối với công chức trong đơn vị; nhất là trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu đơn vị, phòng ngừa các vi phạm phát sinh, kịp thời nhắc nhở hạn chế, yếu kém xảy ra. Tích cực tuyên truyền, giải thích pháp luật cho nhân dân; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền, không để tồn đọng gây bức xúc, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Đồng thời, phối kết hợp tốt với cơ quan Công an, Viện kiểm sát trong từng giai đoạn tố tụng; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, xây dựng và đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm, xét xử lưu động án hình sự trên địa bàn tỉnh nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm, tuyên truyền pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, TAND hai cấp tỉnh Bình Dương đã giải quyết 9.883/12.589 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 78,51%; tạm đình chỉ 151 vụ, không phát sinh án quá hạn do lỗi chủ quan của Thẩm phán. So với cùng kỳ năm 2016, số án thụ lý tăng 755 vụ, việc (tăng 6,37%) và số án giải quyết tăng 764 vụ, việc (tăng 8,37%), án tạm đình chỉ giảm 153 vụ, tỷ lệ giải quyết tăng 1,49%; chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hình phạt mà Toà án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, qua đó góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm theo tinh thần của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các công tác khác của TAND hai cấp tỉnh Bình Dương như công tác kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, tiếp dân, giải quyết đơn thư, Hội thẩm nhân dân, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng và văn phòng thường xuyên được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại được giải quyết đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2017, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng đúng các Bộ luật, Luật mới sửa đổi đã có hiệu lực thi hành; chủ động tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án đã thụ lý; nâng cao chất lượng giải quyết án, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; tăng cường công tác xét xử lưu động; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự; tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ để phát hiện và uốn nắn kịp thời các sai sót trong công tác chuyên môn; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tiếp tục duy trì tác phong, nề nếp công tác, giữ vững kỷ cương, kỷ luật công vụ, ra sức nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm; đội ngũ Thẩm phán cần cố gắng phấn đấu, rèn luyện hơn nữa, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương để xứng đáng với chức danh cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.