Từ khi được thành lập, TAND cấp cao tại Hà nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với các chỉ tiêu công tác năm sau cao hơn năm trước, nhất là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án về cơ bản được nâng lên. Các trường hợp kêu oan, bức xúc, kéo dài được tập trung giải quyết dứt điểm. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định tính đúng đắn của mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo 4 cấp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Vào đầu những năm 2000, Đảng ta nhận định: “Công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chính sách hình sự, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý.
Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu.” Vì vậy, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đối với hệ thống Tòa án nhân dân (TAND), Nghị quyết 49/NQ-TW nêu rõ: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp”, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND.
Trao Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội
Trên cơ sở yêu cầu khách quan của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 24/11/2014, Luật Tổ chức TAND năm 2014, được thông qua là bước ngoặt quan trọng trong cơ cấu, tổ chức của hệ thống Tòa án. Trong đó, hệ thống Tòa án nước ta được tổ chức theo 4 cấp, gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Ngày 28/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 thành lập 3 TAND cấp cao, trong đó TAND cấp cao tại Hà Nội với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao gồm: Ủy ban Thẩm phán; các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc, trong đó Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao gồm Chánh án, các Phó Chánh án là Thẩm phán cao cấp và một số Thẩm phán cao cấp do Chánh án TANDTC quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND cấp cao có số lượng không dưới 11 và không quá 13 thành viên. Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn: Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng; thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án TAND cấp cao về công tác của TAND cấp cao để báo cáo TANDTC.
Các Tòa chuyên trách TAND cấp cao, gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và Người chưa thành niên. Các Tòa chuyên trách có nhiệm vụ, quyền hạn: phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Bộ máy giúp việc của TAND cấp cao, gồm Văn phòng; Phòng Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính; Phòng Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại; Phòng Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên.
Văn phòng là đơn vị cấp vụ, được tổ chức thành các đơn vị gồm: Phòng Hành chính tư pháp, phòng Kế toán Quản trị, phòng Tổ chức - Cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng, phòng Lưu trữ hồ sơ. Văn phòng có chức năng nhiệm vụ thực hiện những công việc về hành chính tư pháp, công tác văn thư, lưu trữ, tham mưu cho Chánh án về công tác tổ chức cán bộ…
Các phòng Giám đốc, kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Nghiên cứu, đề xuất giúp Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Kết quả đạt được sau 5 năm thành lập
Từ khi thành lập cho đến tháng 3 năm 2020, TAND cấp cao tại Hà Nội thụ lý tổng cộng 9.116 vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm, đã giải quyết được 7.870 vụ, trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ Trịnh Xuân Thanh bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản; vụ Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản; Vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô tài sản; Vụ Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô tài sản…; vụ Phan Văn Anh Vũ…
Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, không hạn chế thời gian tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong việc xét xử các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TAND cấp cao tại Hà Nội
Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hành chính, TAND cấp cao tại Hà Nội đã từng bước khắc phục tình trạng để quá thời hạn giải quyết; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ; đồng thời, chủ động xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án, chú trọng công tác hòa giải, tổ chức đối thoại nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nhân dân.
Trong giải quyết các vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiếp nhận 39.462 đơn khiếu nại. Qua phân loại xác định có 29.988 đơn trùng lặp, đơn không thuộc thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện; đã thụ lý 9.474 vụ, việc để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Kết quả đã giải quyết được 8.355 vụ, việc, trong đó: trả lời không có căn cứ kháng nghị 6.661 vụ, việc; kháng nghị 909 vụ, việc, giải quyết khiếu nại hoặc xử lý khác đối với 785 vụ, việc. TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 1.444 vụ án có kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; đã xét xử được 1.382 vụ án.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đạt được những kết quả nổi bật, nhiều năm liền đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (trung bình đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 60%). Việc trả lời đơn, cũng như kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thực hiện một cách thận trọng, đúng quy định của pháp luật…
Có được kết quả này, một phần do sự phù hợp của mô hình tổ chức mới, một phần là nhờ sự nỗ lực triển khai nhiều giải pháp từ việc thụ lý, phân công nghiên cứu, họp Tổ xét đơn, phân công lãnh đạo phụ trách theo từng lĩnh vực cũng như đã thực hiện việc ứng dụng phần mềm tin học vào công tác quản lý, theo dõi quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Song song với công tác xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho người dân khi có công việc liên quan đến Tòa án, giúp Chánh án quản lý mọi mặt hoạt động nghiệp vụ của Tòa án. Trong công tác hành chính tư pháp đã xây dựng, thực hiện việc ứng dụng phần mềm tin học vào thụ lý các vụ việc phúc thẩm, cũng như quản lý, theo dõi quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Các qui trình thụ lý, tham mưu phân công hồ sơ vụ việc phúc thẩm, lên lịch xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm đã đảm bảo thực hiện có hiệu quả.
Về công tác tổ chức cán bộ, xác định cán bộ là gốc của mọi công việc, nên TAND cấp cao tại Hà Nội luôn quan tâm kiện toàn, đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan và đúng qui định; trước khi xem xét bổ nhiệm, quy hoạch đều được thông qua tập thể lãnh đạo và Đảng ủy. Các công chức được quy hoạch, bổ nhiệm đảm bảo đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ.
Cùng với việc tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, công chức, người lao động TAND cấp cao tại Hà Nội triển khai nhiều phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ công tác chuyên môn góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tham gia phong trào “ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt”...
Cán bộ, công chức TAND cấp cao tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019
Đoàn Thanh niên TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Chương trình “Xuân sẻ chia yêu thương”, nhiều lần tổ chức hiến máu nhân đạo với chủ đề “Giọt hồng trao yêu thương” với tinh thần tương thân, tương ái “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Các hoạt động này đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện tình cảm, sự động viên và cũng là trách nhiệm của công chức, người lao động TAND cấp cao tại Hà Nội đối với công tác xã hội, hoạt động cộng đồng.
Hướng đến xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai
TAND cấp cao được thành lập đã khắc phục được một số hạn chế về thẩm quyền xét xử của hệ thống Tòa án theo Luật Tổ chức TAND 2002, là một trong các kết quả nổi bật nhất của cải cách tư pháp. Qua năm năm thành lập, TAND cấp cao tại Hà Nội 2 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, 2 lần được tặng thưởng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 41 lượt đơn vị được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được tặng thưởng hiểu danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý khác.
Trong thời gian tới, TAND cấp cao tại Hà Nội xác định việc tiếp tục thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, hướng đến mục tiêu: (1) Luôn đề cao trách nhiệm, thực hiện ngày càng tốt nguyên tắc Hiến định về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (2) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ chị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; (3) Cải cách hành chính tư pháp, bứt phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, đặt nền móng cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.