TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: 40 năm, nhìn lại để tự hào

Mạnh Cường| 09/09/2016 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (trước đây là Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng) là chặng đường đủ để những người đặt “viên đá” đầu tiên cho đến những CBNV ngày hôm nay nhìn lại, tự hào về những kết quả đã đạt được.

Gian nan lúc hình thành

Những PV như tôi, mỗi khi tìm hiểu để viết về một đơn vị Tòa án nào đó đều không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, mặc dù không biết đây là lần thứ bao nhiêu thực hiện. Đặc biệt, khi tìm hiểu để viết về một đơn vị có bề dày lịch sử như TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại khiến cho tôi nhiều cảm giác lo lắng. Bởi tôi e dù mình có cố gắng bằng hết cũng không thể diễn đạt và nói lên được những khó khăn, những đóng góp của CBCNV đơn vị phấn đấu để có được kết quả như ngày hôm nay…

Con đường hình thành ấy được đánh mốc vào ngày 20 tháng 4 năm 1976, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có Quyết định số 08-BTP/QĐ thành lập TAND phúc thẩm tại Đà Nẵng với nhiệm vụ được giao là xét xử phúc thẩm các vụ án do TAND cấp tỉnh xét xử có kháng cáo, kháng nghị. Sau khi nước nhà thống nhất, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam không còn nữa thì TAND phúc thẩm Đà Nẵng trực thuộc TAND Tối cao của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tên gọi là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng. Với chức năng nhiệm vụ là xét xử theo thủ tục phúc thẩm các loại vụ việc do TAND các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: 40 năm, nhìn lại để tự hào

Lễ ra mắt TAND Cấp cao tại Đà Nẵng 

Ở giai đoạn đầu thành lập, vì chưa có Thẩm phán bổ nhiệm nhưng để kịp thời giải quyết án tồn đọng, Chánh án TANDTC tạm thời giao cho đồng chí Nguyễn Sanh Châu vẫn là người phụ trách Tòa phúc thẩm Đà Nẵng đứng ra tập hợp 3 đồng chí Nguyễn Trọng, Nguyễn Hữu và Phạm Công hợp thành một Hội đồng xét xử phúc thẩm ở các tỉnh trong quản hạt. Từ năm 1981 đến năm 2000, dưới sự lãnh đạo của các Chánh tòa, Phó Chánh tòa: Phạm Công, Nguyễn Trọng, Phan Hữu Thức, Phạm Liêm Sơn, Tạ Minh Gô, Trần Mẫn, Đinh Văn Quế, Đỗ Cao Thắng, Bùi Ngọc Hòa… đã chỉ đạo xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, phạm các tội phản cách mạng, các hoạt động gián điệp, các hành vi chống phá chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự quản lý kinh tế, trật tự xã hội, tính mạng và tài sản của công dân… nhằm vạch trần âm mưu thủ đoạn của các thế lực phản động nhằm tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa bàn được phân công.

Trên con đường đổi mới

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động kể từ ngày 1/6/2015. Đây được xác định là một bước tiến mới, quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp do Đảng lãnh đạo ở nước ta. Điều này đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Hiện nay, đơn vị có 100% công chức làm nghiệp vụ có trình độ đại học, trong đó có 11 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 1 đồng chí đang nghiên cứu sinh học vị tiến sĩ, 23 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương. Ngoài ra, đơn vị còn có 5 công chức đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ… Với đặc thù là cơ quan trung tâm thực hiện quyền tư pháp, mọi hoạt động của TAND nói chung, của TAND cấp cao tại Đà Nẵng nói riêng đều phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: 40 năm, nhìn lại để tự hào

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Anh Tiến tặng quà Lữ đoàn 172

Kể từ ngày thành lập đến nay, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý, giải quyết và xét xử trên 700 vụ án theo thủ tục phúc thẩm, xem xét và giải quyết trên 2000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. “Mặc dù số lượng cán bộ còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ, song đơn vị đã chủ động triển khai tổ chức tốt các phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy các Thẩm phán, công chức, người lao động phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Chính vì mỗi cá nhân trong tập thể đều thể hiện tính đoàn kết, chịu khó, luôn lao động trên tinh thần học hỏi cao đã tạo nên sự vững mạnh và đó chính là điều kiện để đơn vị có được kết quả tốt nhất, hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác theo yêu cầu của Quốc hội và TAND Tối cao đề ra…. Đặc biệt mỗi cán bộ trong đơn vị phải luôn là mỗi tấm gương sống và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ cho nhân dân, thể hiện đúng chuẩn mực là cán cân công lý, là nơi người dân tìm thấy công lý”, đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chia sẻ.

Ngoài công tác chuyên môn, là nơi người dân gửi gắm niềm tin vào sự công bằng của công lý, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng còn tổ chức nhiều hoạt động về nguồn đầy ý nghĩa. Đó là khi những cán bộ tìm thấy những nguồn vui vì được sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những cá nhân, tập thể cần đến sự chung tay. Đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, kết nối nghĩa tình với các đơn vị ngoài, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kết nghĩa với đơn vị Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân.  Qua hoạt động kết nghĩa này, tình đoàn kết gắn bó giữa các đơn vị ngày một khăng khít hơn.

Còn nhớ trong lời phát biểu của đồng chí Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng trong buổi lễ kết nghĩa giữa TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân khiến nhiều người xúc động: “Xuất phát từ tình cảm chân thành và khâm phục ý chí, sự hy sinh, những khó khăn gian khổ của các đồng chí luôn phải đối mặt vượt qua. Mặc dù hai đơn vị chúng ta có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức khác nhau, song chúng tôi nhận thấy ở Lữ đoàn 172 có sự đồng cảm đặc biệt. Sự đặc biệt ở đây được thể hiện ở chỗ TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và Lữ đoàn 172 Hải quân đều là các cơ quan đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. TAND thực hiện chức năng tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức. Trong khi đó, Lữ đoàn 172 là đơn vị chiến đấu chủ công của Vùng 3, thuộc Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, thực thi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai. Chính vì những cái chung đều là cơ quan, đơn vị được Đảng lãnh đạo, sống và làm việc, chiến đấu vì độc lập tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, vì sự công bằng của xã hội… đã tạo nên sự đồng cảm, giúp cho hai đơn vị được gần gũi, quan tâm, chia sẻ”.

Không chỉ quan tâm đến công tác chuyên môn, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng còn chú trọng đến việc giao lưu kết tình bằng hữu với TAND miền Trung nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Qua đó thể hiện tình đoàn kết anh em Việt - Lào vừa trao đổi công tác theo biên bản ghi nhớ giữa hai đơn vị. Trong tháng 7 năm 2016, đoàn công tác TAND Cấp cao tại Đà Nẵng gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Bí thư Đảng uỷ, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Tòa án nước bạn Lào. Qua chuyến đi này các thành viên trong Đoàn đều tìm hiểu được những kinh nghiệm thực tiễn công tác, cơ cấu tổ chức, những thuận lợi, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân Miền Trung - Lào. 

Từ những nỗ lực của toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị trong mọi lĩnh vực, kết thúc năm 2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vinh dự được Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua xuất sắc của TAND”. Đây là kết quả tạo tiền đề vững chắc để xây dựng cơ quan, đơn vị trực thuộc trong sạch, vững mạnh, trên cả đó là đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Từ một đơn vị chỉ có một vài Thẩm phán, chưa đầy 20 cán bộ, công chức, trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có gần 100 công chức, người lao động với 5 tòa chuyên trách. Đội ngũ cán bộ của đơn vị ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong điều kiện hội nhập và phát triển đất nước. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua, hòa chung với xu thế phát triển mạnh mẽ của đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã xác định trong thời gian tới, với nhiệm vụ của mình, tập thể cán bộ, người lao động TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo TANDTC đã tin tưởng giao phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: 40 năm, nhìn lại để tự hào