Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Phương Nam| 28/05/2019 06:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người cả đời phấn đấu hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người.

Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (ngày 30-5-1946), Hồ Chí Minh khẳng định: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân.

Là lãnh tụ của dân tộc, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân: Lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ. Hồ Chí Minh gắn bó với đồng bào theo đúng nghĩa anh em, chị em, con cháu và thật sự Người có tình cảm, trách nhiệm với họ như những người ruột thịt.

Khi một nhà báo nước ngoài phỏng vấn (ngày 14-7-1969), Hồ Chí Minh đã trả lời: “Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và đối với miền Nam phải không? Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi... Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

 Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Về việc riêng”. Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hốì hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Được nuôi dưỡng bởi truyền thống đạo đức của dân tộc, ở Hồ Chí Minh đã hình thành một lý tưởng và hoài bão đúng đắn, tạo ra động lực cho Người vượt qua mọi thử thách, chông gai để đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Trên các chặng đường cách mạng, Hồ Chí Minh sống một cuộc sống kham khổ, hành trình qua bốn đại dương, năm châu lục. Ý chí và nghị lực tinh thần to lớn của Hồ Chí Minh trưởng thành qua thực tiễn cách mạng, kết hợp với một niềm tin, một tinh thần lạc quan từ trong tâm hồn của Người.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh từng bị tù đày nhiều nơi, nhưng vẫn luôn giữ thái độ lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của con người, vào cuộc sống, chính nghĩa, với ý chí, nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công”

Và:

“Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao”.

Là một tấm gương mẫu mực phục vụ nhân dân, Hồ Chí Minh ý thức rõ rằng, cán bộ phải có trách nhiệm với dân, làm cán bộ chứ không phải quan cách mạng, cho nên từ việc nhỏ đến lớn đều phải vì nhân dân; ở bất kỳ cương vị nào cũng phải vì nhân dân mà phục vụ. “Làm Chủ tịch nước mệt lắm. Trăm việc đều phải lo. Trời mưa, trời nắng, gió bão,v.v ., chưa ai lo, mình đã phải lo. Các cháu choẹt mắt, chưa ai lo, mình đã phải lo”. Hồ Chí Minh định nghĩa cái gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý, và Người xem phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý; làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng.

Hồ Chí Minh dặn dò: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Hồ Chí Minh là người thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ cho dân. Ngày đêm Người đau đáu một điều là “giành được độc lập rồi, thì phải làm cho dân được ăn no mặc ấm”. Nếu không, nền độc lập đó chẳng có giá trị gì; để dân đói, dân rét thì Đảng và Chính phủ có lỗi với dân.

Giáo sư Trần Văn Giàu từng khẳng định: “Tầm cỡ của một hiền triết chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó; vì đó mà Cụ lớn”.

Mohamed Lamari, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Angiêri tại Việt Nam, từng khẳng định: “Ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài, Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng do Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới...”.

Trong Di chúc, Bác viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Lòng khoan dung nhân ái của Hồ Chí Minh luôn dành hết mực cho mọi kiếp người. Người cảm thấy rất đau khổ khi nhìn thấy những thanh niên Mỹ chết một cách vô ích ở Việt Nam. Hiếm có một lãnh tụ nào trong chiến tranh mà lại thấy được máu nào cũng là máu, người nào cũng là người, đều quý như nhau. Ngay đối với kẻ xâm lược đã gây nên bao đau thương cho dân tộc mình, gây ra bao tội ác đối với nhân dân, nhưng khi bị bắt, Người vẫn căn dặn cán bộ, chiến sĩ ta phải đối xử với họ một cách khoan hồng, phải làm cho thế giới thấy rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc văn minh, tiến bộ, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước.

 Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn: Hồ Chí Minh thực hành triệt để tất cả những gì Người quan niệm, thậm chí Người còn làm nhiều hơn những gì Người nói.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm trong ăn, mặc, ở, đi lại... Mọi cái ở Người được sử dụng một cách hợp lý. Ở Hồ Chí Minh, tiết kiệm đã trở thành nếp sống, sinh hoạt, thành giá trị văn hoá, triết lý nhân sinh, biểu trưng của lối sống văn minh, hiện đại làm cơ sở cho việc thực hiện tinh thần nhân văn cao cả trong thế giới còn nghèo đói, khó khăn, vật lộn để sinh tồn và phát triển.

Giữ mình liêm khiết, trong sạch, Hồ Chí Minh sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác, luôn tôn trọng nhân cách người khác. Người biết nâng con người lên, khuyến khích, động viên để con người thấy rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống.

Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị ngã gục trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức có quyền, củng cố niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý của luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh