Xóa bỏ “biên chế suốt đời”

Trung Nguyễn| 20/07/2018 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012. Qua 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các quy định của Luật Viên chức còn một số vướng mắc.

Dự thảo Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.

Về vấn đề hợp đồng đối với viên chức, khoản 2 Điều 24 Luật Viên chức quy định: Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển vào viên chức. Theo đó, đối với viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Cách thức quy định như vậy là tương tự với quy định về hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định: Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Theo Bộ Nội vụ, đây cũng là nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi trong Luật để bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tránh tâm lý “biên chế suốt đời” trong đội ngũ viên chức sự nghiệp.

Về chế độ thôi việc đối với viên chức, theo quy định tại Điều 45 Luật Viên chức thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp do bị buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc). Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức thì khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc đối với trường hợp viên chức chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như như việc điều chuyển giáo viên, bác sỹ trong từng địa phương) hoặc do viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (không phải do mất việc). Việc chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc trong các trường hợp này là không hợp lý, không bảo đảm công bằng so với trường hợp viên chức nghỉ hưu theo quy định (vì khi nghỉ hưu thì không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc). Mặt khác, quy định này còn dẫn đến việc “lách” chính sách khi viên chức chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu xin thôi việc để được hưởng chính sách thôi việc. Do vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức liên quan đến chế độ thôi việc là cần thiết.

Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện nay thì viên chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 58 Luật Viên chức cho phù hợp, đồng thời bảo đảm tính liên thông giữa đội ngũ viên chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ “biên chế suốt đời”