Văn bằng không có lỗi!

Bảo Dân| 07/12/2017 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây có thông tin từ hai tỉnh quy định phải có bằng đại học chính quy và sinh sau 1975 mới được đưa vào quy hoạch lãnh đạo địa phương, gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Có chuyện một cơ quan báo chí tuyển phóng viên đã lựa được gần đủ cơ số. Các bạn trẻ này bằng cấp đầy đủ: bằng cử nhân và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đều hợp quy. Bỗng nhiên, một ông Phó Tổng biên tập xuất hiện mang theo một tập giấy trắng phát cho các ứng viên và yêu cầu các em tự viết một đơn xin việc. 

Thật bất ngờ là trong số 14 người chỉ có 3 người viết được lá đơn đạt yêu cầu. Trong số này có một người vốn là nhân viên vi tính tại một tòa soạn báo và do yêu nghề làm báo đã xin học tại chức để có bằng đại học. Thì ra chưa chắc bằng cấp chính quy đã ăn đứt bằng tại chức.

Văn bằng không có lỗi!

Hình minh họa

Mới đây lại có thông tin từ hai tỉnh quy định phải có bằng đại học chính quy và sinh sau 1975 mới được đưa vào quy hoạch lãnh đạo địa phương, gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ yêu cầu bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm, vẫn có một số ý kiến cho rằng, thước đo năng lực cán bộ không chỉ là bằng cấp mà phải là kết quả thi tuyển để đánh giá và lựa chọn khi thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm.

Trong bối cảnh hiện nay, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định văn bằng tại chức và bằng chính quy có giá trị như nhau lại gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này là cào bằng bởi trình độ của người học tại chức không thể bằng học chính quy. Sự cào bằng này sẽ gây nhiều hệ lụy.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, thực ra, trong Luật Giáo dục hiện hành không hề phân biệt giữa bằng tại chức và chính quy. Lý do vì hai loại hình đào tạo này đều cùng một khung chương trình, với chuẩn kiến thức, kỹ năng tương đương; chỉ khác hình thức đào tạo.

Đúng là trong thực tế, chất lượng đào tạo tại chức thường bị đánh giá thấp hơn, do khâu tuyển sinh dễ dàng, thời gian đào tạo bị rút ngắn, việc đánh giá không chặt chẽ, thậm chí buông lỏng, người học không nỗ lực… Bởi thế hầu như tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều nói không với ứng viên có bằng tại chức.

Lý do của sự kỳ thị bằng cấp ở ngay trong cách dạy và người học đều có vấn đề. Các hiện tượng tiêu cực, méo mó bằng cấp đã làm hỏng mô hình học tập thiết thực này, nhất là việc học ở các môn khoa học xã hội, lý luận chính trị tại chức.

Trong thực tiễn, chúng ta chưa thực hiện đánh giá, phân loại năng lực, phẩm chất cán bộ, người lao động một cách khoa học, công tâm gắn liền với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tấm bằng không còn là tiêu chí trình độ mà chỉ nhằm hợp thức hóa hồ sơ mới dẫn đến tình trạng chưa hết phổ thông đã xong đại học… tại chức.

Luật Giáo dục cũ đã không phân biệt thì luật sửa đổi càng không được phép bài xích bằng tại chức. Muốn vậy, Bộ GD-ĐT phải có những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phi chính quy như giáo dục thường xuyên, đào tạo tại chức. Đồng thời việc tuyển dụng phải qua thi tuyển minh bạch, khách quan, khoa học, theo tiêu chí “thực học - thực nghiệp”.

Đừng để tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ dẫn đến sự phân biệt văn bằng tại chức - chính quy. Lỗi là ở cơ chế, ở con người. Văn bằng không có lỗi! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn bằng không có lỗi!