Trách nhiệm người đứng đầu

Bảo Dân| 07/08/2018 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sai phạm trong kỳ thi PTTH quốc gia năm 2018 nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo và Chính phủ thảo luận kỹ vấn đề này.

Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vụ việc xảy ra trong kỳ thi là những sai phạm rất nghiêm trọng nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Ông Nhạ cũng chỉ ra hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi 2018 là đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. Bên cạnh đó, phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh việc phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trong đó, tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia với hàng loạt công việc. Đó là hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi; Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; Tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD-ĐT đối với các hội đồng thi.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quên nhắc lại việc thi cử trước năm 2015 rất nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi (trong gần 1 tháng thí sinh phải dự thi 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Học sinh các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc…

Tuy nhiên với các vụ gian lận chấm thi có tổ chức, tinh vi, xảo quyệt ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến mức lần đầu tiên có các cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo bị khởi tố, bị tra tay vào còng số 8, thiết nghĩ cần nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục, cần có mức kỷ luật nghiêm khắc với những người có trách nhiệm liên quan.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm người đứng đầu