Tiến thoái lưỡng nan

Bảo Dân| 12/10/2017 08:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng vạn lao động ở các địa phương đã ra nước ngoài làm việc, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Đó là chính sách của nhà nước, tạo công ăn việc làm cho số lao động dư thừa, thất nghiệp.

Thế nhưng một bộ phận không nhỏ trong lực lượng này lại gây khó cho công tác xuất khẩu lao động, ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệp định song phương khi cả nghìn người lao động ở nước ngoài nhưng đã lẩn trốn khi chưa hết hạn và ở lại khi hết hợp đồng.

Hà Tĩnh hiện nay đang là tỉnh đứng đầu các địa phương về số người lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc nhưng hết thời hạn lao động theo hợp đồng, đã bỏ trốn rồi ở lại làm việc tự do. Thậm chí có người chưa làm việc hết thời gian lao động trong hợp đồng cũng đã bỏ trốn.

Mấy năm trước, tình trạng này đã khiến Hàn Quốc dừng nhận lao động từ Việt Nam sang. Sau nhiều lần đàm phán, cam kết, phía Hàn Quốc mới ký lại chương trình hợp tác trong thời hạn 2 năm. Theo đó còn 7 tháng nữa sẽ hết hạn, nếu không còn tình trạng lao động Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc thì bạn mới ký tiếp với ta. Thế nhưng hiện nay, hàng nghìn lao động Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ trốn rồi làm việc “chui” ở nước này.

Tiến thoái lưỡng nan

Ảnh minh họa

Trong 7 tháng nữa, khó có thể triệu hồi được hàng nghìn người đang lao động “chui” về Việt Nam được. Điều đó cũng có nghĩa là hàng vạn người trong nước đã được học nghề, học tiếng Hàn sẽ không có cơ hội đến Hàn Quốc lao động. Những người vô trách nhiệm đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đi sau. Đây là vấn đề  khó khăn  không chỉ với tỉnh Hà Tĩnh mà còn với nhiều địa phương khác và ngành lao động, xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do những người lao động Việt Nam gây nên. Ở trong nước, họ đang là người thất nghiệp, miếng cơm, manh áo hàng ngày còn chưa đủ nhưng đi xuất khẩu lao động, họ có thu nhập cao, có tiền gửi về gia đình. Trung bình mỗi xã hàng năm nhận được cả chục tỷ đồng của người thân từ Hàn Quốc chuyển về. Thực tế là nhiều làng xã có người đi lao động ở Hàn Quốc đã thay đổi diện mạo rất nhanh. Vì thế, người đi lao động muốn ở lại để tiếp tục kiếm thêm lưng vốn, lo cuộc sống lâu dài cho gia đình. Và họ đã chọn cách ở lại bất hợp pháp.

Còn về phía bạn, có những doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi, thu nhập thấp so với kỳ vọng của người lao động nên người lao động muốn tìm chỗ làm ăn khác khá hơn. Lại có những doanh nghiệp rất cởi mở, thu nhận lao động dễ dãi  khiến  cho người lao động bất hợp pháp ở lại càng nhiều.

Đước biết, có ràng buộc đối với người lao động trước khi đi xuất khẩu là phải ký quỹ 100 triệu đồng cho cơ quan chức năng, chỉ được hoàn lại khi hết hợp đồng lao động và về nước. Tuy nhiên, với những người có công việc kiếm ăn được ở Hàn Quốc thì họ sẵn sàng chịu mất số tiền đặt cọc đó vì chỉ bằng thu nhập vài ba tháng của họ.  Cho nên 100 triệu không thể ngăn chặn họ bỏ việc và buộc họ trở về.

Sức hút của đồng tiền đang làm hại chính sách xuất khẩu lao động. Hà Tĩnh đưa ra điều kiện là huyện nào có trên 70 người bỏ trốn sẽ không được đi tiếp. Với điều kiện ấy thì Hà Tĩnh đang sẽ có nhiều huyện phải chịu thiệt thòi vi hơn 1.200 người lẩn trốn bên Hàn Quốc. Thật là tiến thoái lưỡng nan! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến thoái lưỡng nan