Thế hệ những điểm 10

Biên Thùy| 03/06/2019 14:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dư luận xã hội "choáng váng" khi danh sách gần 1.000 học sinh dự xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam toàn điểm 10.

Điểm 10 cũng là câu chuyện được đem ra bàn luận nhiều ngày nay xoay quanh kết quả của năm học 2018-2019. Điểm 10 đơn giản là số điểm cao nhất trong thang điểm của hệ thống giáo dục. Và dĩ nhiên, nó cũng là kết quả đánh giá một quá trình thu nạp kiến thức của cả năm học đối với mỗi học sinh.

Một con số hoàn hảo, song dư luận xã hội lại có nhiều nghi ngại, liệu đây có phải là gốc gác của căn bệnh thành tích?

Ngành giáo dục đang trải qua giai đoạn khủng hoảng niềm tin sau vụ gian lận điểm thi chấn động ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Người đứng đầu ngành giáo dục đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri cả nước. Tuy nhiên, phía sau việc "nhận trách nhiệm" là gì vẫn là một khoảng trống mênh mông.

Trở lại câu chuyện toàn điểm 10 và một lớp toàn học sinh giỏi. Dường như, giáo dục đang chăm chăm vào mục tiêu đào tạo ra những con người giỏi mà thiếu quan tâm đến đào tạo ra những con người tốt. Dù có đưa ra hàng chục tiêu chí để đánh giá học sinh thì cuối cùng quan trọng nhất vẫn là những điểm số.

Liên hệ một chút tới vụ gian lận điểm thi hơn 1 năm nay vẫn chưa có hồi kết. Đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc những em học sinh được nâng điểm bằng cơ số tiền của cha mẹ ấy có lỗi không? Tôi không dám phán xét đúng sai nhưng rõ ràng các em có một phần trách nhiệm.

Một học sinh lớp 12 được trang bị đầy đủ kiến thức để vào đời sao lại không có lấy một chút lòng tự trọng và sự trung thực? Nếu trung thực, khi cha mẹ xách tiền chạy điểm các em đã có thái độ, quan điểm đúng đắn và sự việc đã không đi quá xa. Nếu có lòng tự trọng thì các em chẳng ngồi vào ghế thủ khoa khi điểm thi chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Đó chẳng phải là nguyên nhân mà một ĐBQH đã phát biểu: "Giáo dục rất cần thiết lúc này là xây dựng một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo ra một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta nói dối ngay từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường".

Trong cuốn Tứ Thư Bình Giải về đức nhân của nhà biên dịch Lý Minh Tuấn, có viết: “Xã hội an ổn là do đức nhân; xã hội tiến bộ là do đức trí. Muốn cho xã hội vừa thái bình, thịnh trị vừa tiến bộ, văn minh thì phải biết vận dụng cả nhân lẫn trí...Nhiều nhân ít trí thì chậm tiến nhưng an ổn. Nhiều trí ít nhân thì tiến bộ, văn minh, nhưng xã hội sẽ rối loạn, bất an”.

Luật Giáo dục sửa đổi điều đầu tiên được nhắc tới là mục tiêu của giáo dục. Trong đó nêu rõ: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu...".

Rõ ràng, chúng ta xác định mục tiêu đầu tiên là phát triển "con người có đạo đức" sau đó mới đến các yếu tố, phẩm chất khác nhằm phát triển toàn diện. Vậy, giáo dục đang xác định sai mục tiêu hay đang đi chệch mục tiêu?

Giáo dục là tương lai của quốc gia, điều này rất chính xác. Giáo dục đi theo hướng nào, quốc gia sẽ đi theo hướng đó. Cuộc chạy đua, khoe mẽ về điểm số sẽ không bao dừng lại khi thành tích vẫn là căn bệnh trầm kha. 

Một thế hệ toàn những điểm 10, một thế hệ toàn học sinh giỏi, song vẫn còn ngổn ngang những mối lo âu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ những điểm 10