Sự thay đổi bền vững

Trung Nguyễn| 28/12/2017 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2017 sắp qua, nhìn lại những kết quả đã đạt được về kinh tế, xã hội có thể thấy, đó là kết quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngân hàng Thế giới đã đánh giá năm ngoái Việt Nam tăng 9 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh, năm nay tăng 13 bậc, trong 2 năm tăng 23 bậc. Kết quả này chưa bao giờ có. Đây là kết quả của cả một quá trình, nhưng chưa bao giờ như trong thời gian qua khi tại tất cả các cuộc họp, các hội nghị, các sự kiện, Thủ tướng đều có thông điệp về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Không khi nào mà Nghị quyết hằng tháng của Chính phủ đều đề cập tới vấn đề này. Đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng rất nhiều các báo cáo độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CIEM làm tài liệu tham khảo và ra quyết định. Có những quyết định rất cụ thể, như phải bỏ cho được từ 1/3-1/2 điều kiện kinh doanh hiện có, bỏ 1/2 số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.

Trong cách thức điều hành, một điểm rất nổi bật là việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác, đã đóng vai trò như cánh tay nối dài, truyền đạt thông tin chỉ đạo từ cuộc họp của Chính phủ đến các Bộ, để các Bộ không quên những chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Công Thương được đánh giá cao trong vai trò quan trọng của người đi đầu. Tiếp đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… Rất nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể từ văn bản pháp luật đã được giải quyết, hàng loạt văn bản khác đang được sửa đổi.

Nhìn tổng thể, trong điều hành, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt, vừa tạo động lực, vừa tạo sức ép về hành chính, sức ép dư luận xã hội. Chính phủ đã có những giải pháp căn cơ hơn.

Sự thay đổi bền vững

Hình minh họa

Theo các chuyên gia, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới còn nhiều việc phải làm, đó là phải chú trọng tới việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất cùng với thị trường hàng hóa dịch vụ. Các thị trường này phải được phát triển để đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ nguồn lực có hiệu quả, thay thế cho cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng xin - cho, chạy chọt. Việt phát triển thị trường nhân tố sản xuất đã được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Các nghị quyết cũng yêu cầu phát triển thị trường tài chính cho hài hòa, cân bằng hơn và cần một sự đánh giá toàn diện hơn về thị trường tài chính hiện nay, nhận diện những chỗ méo mó, có sự can thiệp  hành chính, từ đó thay đổi, cải cách theo hướng thị trường hơn...

Cũng theo các chuyên gia, về thị trường lao động hiện nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến yếu tố xã hội, chẳng hạn như việc tăng lương. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra thể chế, môi trường để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn, tạo ra nhiều công ăn việc làm… 

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, sự thay đổi trong năm 2017 là tự thân, xuất phát từ việc thay đổi tư duy, xuất phát từ động lực của các Bộ, ngành, do đó sẽ là thay đổi bền vững. Đó là điểm khác biệt rất lớn của năm 2017, của nhiệm kỳ này và với xu thế như thế thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thay đổi bền vững