“Sân sau” của ai?

Bảo Dân| 27/06/2017 06:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay, người ta hay nhắc đến hai từ “sân sau” bởi nhiều doanh nhân và nhóm lợi ích ở ta đã tạo dựng được những cán bộ lãnh đạo, càng to càng tốt “chống lưng”, để tạo điều kiện trong làm ăn. Và các quan chức này chấp nhận luôn đây là sân sau của mình.

Bạn đọc ai cũng nhớ việc ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng Hà Nội có 180 quán bia vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau. Thế là mấy anh cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự có “sân sau” nho nhỏ rồi. 

Ngoài các dịp lễ tết có quà, hàng tháng "sân sau" nộp tiền hụi chết, tiền xăng xe cho sếp… Với các điểm trông giữ xe ở phường nếu không phải là người nhà của Bí thư, Chủ tịch phường thì hẳn là “sân sau” của mấy người này. Chẳng thế mà khi Chủ tịch Chung nêu việc này không ai dám trả lời rằng có hay không. Vậy cho nên gọi là “chống lưng” hay “sân sau” của nhóm thân hữu, nhóm lợi ích thì bản chất cũng chính là trục lợi, tham nhũng.

“Sân sau” của ai?

180 quán bia vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau

Cách đây không lâu, vào trung tuần tháng 4, phát biển tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp nhà nước nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chúng ta chống tình trạng “sân trước, sân sau”.

Nói đến “sân sau” người ta dễ liên tưởng đến vai trò ông A bà B tạo dựng sân sau cho mình từ khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” bắt đầu. Tuy nhiên, bây giờ người ta chạy trước đón đầu để tạo dựng “sân sau” càng sớm càng hiệu quả, thậm chí còn cho người nhà đầu tư cho “sân sau”. Chỉ cần bán thông tin quy hoạch về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án, chương trình kinh tế - xã hội, vốn ODA... là có cơ hội thêm một “sân sau”. Sau đó là phê duyệt, cấp đất, cấp phép khai thác mỏ, nạo vét luồng lạch, cho phép hoạt động mà chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Đó cũng là việc giao thầu xây dựng, cung ứng máy móc, thiết bị… Và thế là chủ các “sân sau” đền ơn… bằng nhà đất, kinh phí cho các cậu ấm cô chiêu du học.

Có một thời ai cũng ngỡ đã tiệt nọc cơ chế xin-cho. Tuy nhiên, do một bộ phận cán bộ công chức thoái hóa biến chất, chạy theo tư lợi đã ngấm ngầm phục dựng kích hoạt cơ chế xin cho kiểu mới. Vụ một anh nhân viên hợp đồng ra giá giấy phép xây dựng, một cán bộ cấp phòng thét 5000USD cho giấy chứng nhận đầu tư là những “con sâu làm hỏng nồi canh” cải cách hành chính.  Báo chí thông tin có những cán bộ gợi ý thẳng thừng với các doanh nhân rằng, muốn có dự án phải chung chi.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Đây là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta nhằm xóa bỏ “sân sau” và những gì ở đằng sau “cái sân” ấy. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sân sau” của ai?